Trung tâm tài chính quốc tế là nơi trung chuyển tài chính, tức là phải 2 chiều. Làm sao để các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ đến TP.HCM.
SỰ “MỜ NHẠT” CÁC QUỸ ĐẦU TƯ
Tại tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM”, do báo Sài Gòn giải phóng tổ chức ngày 09/02/2023, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào các ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải.
Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có trung tâm tài chính để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Việc thu hút vốn này không phải TP.HCM, không phải Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) mà là những định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn.
Ông Hiển đặt câu hỏi TP.HCM từ lâu đã là trung tâm tài chính nhưng vì sao đến nay vẫn lình xình?
Trả lời cho câu hỏi trên, theo ông Hiển từ những năm 2000, TP.HCM đã hình thành thị trường tài chính sơ khai, đã có mô hình quỹ đầu tư TP.HCM được thành lập và là định chế tài chính mới, có các chức năng mạnh hơn HFIC hiện nay. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm nay vẫn chưa có sự chuyển động.
Với việc chậm trễ này đã khiến cho việc huy động vốn cho các công trình của thành phố không hiệu quả. Nếu như năm 2000, TP.HCM là địa phương duy nhất có đủ năng lực phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, nhưng hiện nay số lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thuộc về các công ty tư nhân với trên 1 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong khi trái phiếu đô thị và công trình của TP.HCM dậm chân tại chỗ.
Sự mờ nhạt của các mô hình quỹ đầu tư cũng thể hiện rõ trong việc mới đây nhất, Sở Giao thông TP.HCM phải đề xuất vốn cho các dự án cửa ngõ với hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), trong khi đáng lẽ vấn đề huy động vốn cho các dự án này phải có vai trò của HFIC trong việc đưa ra các giải pháp.
“Tôi là chủ tịch của 1 quỹ đầu tư, cũng đang tìm trái phiếu tốt để đầu tư nhưng lại không có trái phiếu tốt nào, trong khi trái phiếu Chính phủ thì lãi suất thấp. Điều này cho thấy, trung tâm tài chính TP.HCM chuyển động chậm chạp. Đề án trung tâm tài chính của Viện Kinh tế TP.HCM năm 2000 đã được phê duyệt, TP.HCM là đầu tàu của 7 tỉnh. Tuy nhiên, nếu TP.HCM không được Trung ương cấp cho các cơ chế đặc thù thì khó hình thành trung tâm tài chính”, TS. Hiển nói.
Với nhiều kinh nghiệm tham gia chào bán cổ phiếu cũng như huy động vốn tại các thị trường tài chính quốc tế, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, đưa ra 5 yếu tố cơ bản để hình thành một trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ nhất, trung tâm tài chính quốc tế là nơi trung chuyển tài chính, tức là phải 2 chiều. Làm sao để các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ đến TP.HCM. Bản thân các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các roadshow thì sẽ nghĩ ngay đến các trung tâm tài chính quốc tế lớn như: London, New York, Dubai, Hồng Kong, Singapore…. Điều này cho thấy, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế thực sự là khi các doanh nghiệp cần sử dụng vốn thì đến đó chứ không phải là nơi chỉ đưa vốn vào.
Thứ 2, nguồn nhân lực, lĩnh vực tài chính phải có nguồn nhân lực chuyên sâu trong khi đó cần phải nhìn nhận, nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế.
Thứ ba, đó là cơ sở hạ tầng về cảng biển, hàng không, toà nhà…
Thứ tư, cần phải có công nghệ và viễn thông vì hiện nay các công ty tài chính (Fintech) ở Việt Nam đang phát triển rất tốt.
Thứ năm, cơ chế chính sách và hành lang pháp lý. Đặc biệt là Việt Nam phải có các chính sách về thuế để có thể thu hút các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế tham gia.
Thêm vào đó, cần phải nâng tầm sàn chứng khoán TP.HCM vì hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn. Từ kinh nghiệm của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như New York, Singapore, London… cho thấy, họ luôn tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường này.
CHƯA XÂY DỰNG 3 TRỤ CỘT VỀ HÀNG HOÁ, TÀI CHÍNH
Để phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi.
Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.
Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.
Thứ ba, là trụ cột về thị trường hàng hoá phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hoá sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Trong khi đó, Việt Nam được xếp top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.
Về nhóm giải pháp, có 5 nội dung cần tập trung giải quyết để hoàn thiện ba trụ cột trên. Một là, xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến; Hai là, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực; Ba là, cần có sự vào cuộc cơ quan Trung ương trong việc thu hút, hình thành những “con sếu đầu đàn” đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải đảm bảo năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Bốn là, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia; Năm là, chủ động xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ lĩnh vực tài chính.
THIẾU VAI TRÒ ĐẬM NÉT CỦA CẢNG BIỂN
Ngoài ra, các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới còn có sự gắn bó, khăng khít cảng biển. Vì trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, trước đây Hồng Kông (Trung Quốc) là trung tâm tài chính quốc tế với các cảng biển lớn, nhưng hiện nay Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến (Trung Quốc) đang phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông vẫn duy trì vị trí top 10, góp phần duy trì vị thế của trung tâm tài chính quốc tế trên toàn cầu vì có vị thế đặc biệt, nằm trên cửa ngõ Á - Âu, với sân bay lớn, thúc đẩy trung tâm tài chính lớn, các cảng biển hoạt động; song song đó kéo theo sự phát triển mạnh của các yếu tố khác như tài chính, chính sách, thị trường vốn…
Đối với Việt Nam, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022, có 3 cảng có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm Hải Phòng, TP.HCM và Cái Mép. Đây đều những cảng biển được đánh giá tốc độ tăng trưởng tốt. Về hệ thống cảng biển Cần Giờ (TP.HCM) đã có tuyến vận tải đặc biệt nằm trên tuyến vận tải quốc tế Á - Âu. Thế mạnh của cảng biển đã có, tuy vậy từ nhiều năm qua hoạt động cảng biển của Việt Nam chưa hiệu quả, mà mới chỉ dừng lại ở việc trung chuyển, bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa ngõ qua tuyến đường thủy nội địa…
Đề cập đến “siêu cảng” quốc tế Cần Giờ - Cái Mép tại khu vực TP.HCM đã được định hướng đầu tư với công suất thiết kế 15 triệu TEUs. Hiện đang lập đề án nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, vay trong thời gian từ 15-17 năm. Quá trình đầu tư lâu dài nên rất cần thị trường vốn để đáp ứng đầu tư. HiệnTập đoàn MSC (một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới) đã đề xuất tham gia vào “siêu cảng” này, cộng với sự thu hút các công ty liên quan đến hoạt động cảng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.
Cảng quốc tế không chỉ đơn thuần giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà còn gom hàng cho các quốc gia khác; đồng thời còn kéo theo các công ty tài chính khác, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… cùng phát triển vượt bậc. Để hình thành trung tâm tài chính cần nguồn vốn rất lớn, mất thời gian khoảng 20 năm.