September 15, 2021 | 23:35 GMT+7

TP.HCM thống nhất lộ trình phục hồi kinh tế

Xuân Nghi -

Hội nghị lần thứ 8 (mở rộng) Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra vào chiều ngày 14/9/2022 đã thống nhất lộ trình “mở cửa” phục hồi kinh tế TP.HCM với 3 giai đoạn, như kế hoạch trong tờ trình của Ủy ban nhân dân TP.HCM trước đó...

Thành ủy TP.HCM thống nhất lộ trình "mở cửa"  phục hồi nền kinh tế gồm 3 giai đoạn.
Thành ủy TP.HCM thống nhất lộ trình "mở cửa" phục hồi nền kinh tế gồm 3 giai đoạn.

Lộ trình phục hồi nền kinh tế được Hội nghị thông qua gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: từ ngày 01/10 đến 31/10;

Giai đoạn 2: từ ngày 01/11 đến 15/01/2022;

Giai đoạn 3: sau đó. Tất cả các diễn biến đều tùy thuộc tình hình dịch bệnh thực tế.

Hội nghị Thành uỷ đã thống nhất 11 nội dung chiến lược; trong đó có chiến lược về: y tế; giãn cách xã hội; phục hồi kinh tế; an sinh xã hội; bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm cho thành phố; bảo đảm các vấn đề xã hội cho nhân dân; công tác huy động các nguồn lực; ứng dụng khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân; chiến lược truyền thông; chiến lược đối ngoại…

Với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, khi tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, phải tính đến các yếu tố hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: Khi tình hình đã cơ bản kiểm soát được, nguy cơ đã giảm dần thì Thành phố thực hiện các chiến lược, kế hoạch để phục hồi kinh tế. Từng bước mở cửa nền kinh tế, là yêu cầu cấp thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của Thành phố đối với khu vực, với cả nước, mà còn là trách nhiệm trong quá trình đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Phương châm của Thành phố là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhưng cũng không chủ quan nôn nóng, mà phải từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Hội nghị diễn ra trong một buổi chiều, đã thống nhất chọn các huyện Cần Giờ, Củ Chi và Quận 7, trong đó có một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đủ điều kiện thì tiến hành cho hoạt động có kiểm soát. Đây là kế hoạch rất quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà còn tác động với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời điểm này; là cơ sở mang tính pháp lý để Thành phố chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, từng bước hoàn thiện các giải pháp và thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. “Những điều TP.HCM đã và đang làm trong công tác phòng chống dịch là chưa có tiền lệ. Nhiều nước trên thế giới cũng đang căn cứ tình hình dịch bệnh từng nơi để có những phương pháp áp dụng phù hợp. Khi tình hình cơ bản được kiểm soát, nguy cơ đã giảm dần, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến lược để phù hợp, từng bước mở cửa nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Phương châm của TP.HCM là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra; nhưng cũng không chủ quan nôn nóng, mà phải thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. Nhiệm vụ then chốt của chúng ta là phải tập trung xét nghiệm theo kế hoạch đưa ra trên từng địa bàn để kịp thời phát hiện F0 trước khi lây ra cộng đồng. Tiếp tục điều trị để giảm tử vong, đây là ưu tiên hàng đầu.

Về tiêm vaccine phòng Covid-19, Thành phố đã lập nhiều tổ tiêm lưu động, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Thống kê đến nay đã tiêm hơn 6,5 triệu người được tiêm mũi 1 (đạt tỷ lệ trên 90% đối với người từ 18 tuổi trở lên) và hơn 1,4 triệu người đã được tiêm mũi 2 (đạt tỷ lệ trên 20%).

Về an sinh xã hội, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói rằng phải công khai, minh bạch. Ông cho biết, nhiều địa phương, cơ sở đã chủ động vận động, chăm lo kịp thời cho các đối tượng gặp khó khăn trong thời kỳ giãn cách. Nhiều nơi đã huy động, tổ chức tiếp nhận và phân phối nguồn hàng hỗ trợ từ xã hội. Tuy nhiên người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cũng lưu ý, hiện tại còn rất nhiều nơi, nhiều người khiếu nại, thắc mắc và chờ đợi sự hỗ trợ tiếp theo. “Phải có tiêu chí rõ ràng, phù hợp với tình hình, để bên dưới dễ triển khai. Song song, rà soát, lập danh sách, có hội đồng kiểm duyệt danh chính ngôn thuận. Hội đồng này có đủ thành phần mang tính pháp lý để công khai, minh bạch, công bằng”, ông nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate