April 19, 2024 | 13:57 GMT+7

TP.HCM thu hồi gần 1,4 ha đất do Savimex chiếm dụng hơn 20 năm

Ban Mai -

Công ty Savimex đang sử dụng khu đất có tổng diện tích 25.491 m2, phường Hiệp Thành, quận 12, là đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý, trong đó, 13.920 m2 (gần 1,4 ha) đất kế bên là do công ty chiếm thêm để sử dụng…

Địa chỉ công ty Savimex tại quận 12, TP.HCM.
Địa chỉ công ty Savimex tại quận 12, TP.HCM.

Mới đây, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì họp với các sở ngành, UBND quận 12 để giải quyết dứt điểm việc thu hồi khu đất công diện tích 25.491 m2 do Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (Savimex) đang đang chiếm dụng.

Theo hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, công ty Savimex sử dụng khu đất có tổng diện tích 25.491 m2, phường Hiệp Thành, quận 12, là đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Trong đó, có 11.571 m2 được UBND TP.HCM cho công ty thuê sử dụng trong thời hạn 5 năm (tính từ ngày 01/01/1996), còn lại 13.920 m2 đất kế bên diện tích đất thuê là do công ty bao chiếm thêm để sử dụng.

Khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2002, công ty Savimex xin tiếp tục thuê phần đất 11.571 m2 và thuê thêm phần diện tích bao chiếm kế bên là 13.920 m2 (tổng cộng là 25.491 m2) để sử dụng làm nhà xưởng nhưng không được chấp thuận vì khu vực này đã được UBND quận 12 quy hoạch xây dựng trường học. Dù vậy, công ty Savimex vẫn sử dụng diện tích đất trên.

Theo kết luận thanh tra về việc phòng chống tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước tại UBND quận 12 của thanh tra TP.HCM, ban hành vào tháng 3/2013, công ty Savimex sử dụng 25.491 m2 đất có nguồn gốc do Nhà nước trực tiếp quản lý từ năm 2001 đến nay, nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất theo luật đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước trong thời gian dài.

Thanh tra TP.HCM kiến nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND quận 12 lập thủ tục thu hồi khu đất 25.491 m2 bị chiếm dụng.

Trên cơ sở đó, tháng 9/2013 UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5080 thu hồi diện tích đất trên do công ty Savimex đang sử dụng có nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất.

Theo quy hoạch sử dụng đất thì khu đất thuộc một phần đất xây dựng trường học và một phần thuộc lộ giới đường giao thông khu vực.

Về phía công ty Savimex, vào tháng 11/2017, công ty này đã lập biên bản bàn giao đất, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng đất, chưa bàn giao khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM.

Thời gian kéo dài đến tháng 02/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phải báo cáo UBND TP.HCM về việc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất trên.

UBND TP.HCM đã có chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, giao chủ tịch UBND quận 12 nghiên cứu ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện cưỡng chế.

Báo cáo với các sở ngành trong cuộc họp mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết việc UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi toàn bộ 25.491 m2 là do công ty Savimex đã có nhiều sai phạm trong quá trình sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất.

“Đối chiếu quy định tại Luật đất đai, với các vi phạm của công ty Savimex thì trường hợp thu hồi toàn bộ 25.491 m2 đất sẽ không bồi thường về đất cũng như tài sản gắn liền với đất cho công ty này”, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khẳng định.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề nghị các đơn vị cho ý kiến về việc xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) trên diện tích đất bị thu hồi.

Được biết, Savimex là công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chế biến gỗ. Kết quả kinh doanh năm 2023 chưa kiểm toán của Savimex ghi nhận doanh thu đạt hơn 788,8 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 80,5% kế hoạch doanh thu cả năm. Công ty lỗ hơn 10,1 tỷ đồng trong năm 2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate