December 30, 2022 | 07:16 GMT+7

TP.HCM thu ngân sách đạt hơn 471.500 tỷ đồng, tăng 23,6% năm 2022

Phạm Vinh -

Năm 2022, thu ngân sách của TP.HCM đạt 471.562 tỷ đồng, tăng 23,6% so cùng kỳ và năm 2023, Thành phố được giao chỉ tiêu thu ngân sách 469.375 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước...

Thu ngân sách nhà nước năm 2022 của TP.HCM rất ấn tượng, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch gần 85.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước năm 2022 của TP.HCM rất ấn tượng, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch gần 85.000 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM tại Hội nghị truyền thông kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho biết, TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng khả quan.

THU VƯỢT KẾ HOẠCH GẦN 85.000 TỶ

Cụ thể, năm 2022 TP.HCM được giao dự toán thu ngân sách Nhà nước là 386.568 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 270.068 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 116.500 tỷ đồng.

Với việc thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, sự nỗ lực của các đơn vị ngành Tài chính, kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2022 trên địa bàn đạt khá cao. Tính đến ngày 28/12/2022, số thu ngân sách đạt 471.562 tỷ đồng, đạt 121,99% dự toán và tăng 23,6% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 330.115 tỷ đồng, đạt 122,23% dự toán và tăng 25,13% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 141.434 tỷ đồng, đạt 121,4% dự toán.

Đối với kết quả thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với hàng nhập khẩu được 47.698 tỷ đồng, đạt 122,58% dự toán và tăng 33,65% so cùng kỳ; thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 92.991 tỷ đồng, đạt 119,87% dự toán và tăng 14,47% so cùng kỳ.

Theo Sở Tài chính, để đạt kết quả này, ngay từ đầu năm thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, có nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách, thanh kiểm tra có trọng tâm và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Ông Minh cho biết, trong năm 2023, ngành tài chính thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý thuế có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng các chuyên đề có rủi ro cao về thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch; cùng cơ quan thuế, hải quan theo dõi tình hình thu ngân sách...

Đánh giá về kết quả thu ngân sách của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, ban đầu TP.HCM cũng dự báo nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đồng lòng, chung sức vượt khó của cả hệ thống chính trị trong quá trình điều hành phát triển kinh tế, xã hội, thu ngân sách, TP.HCM đã chủ động điều hành xuyên suốt nhiều giải pháp đồng bộ; hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục... nên kết quả vượt hơn so với dự kiến.

TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trên 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu trên cả nước đạt khoảng 50 tỷ USD và thu ngân sách nhà nước năm nay vượt so với chỉ tiêu kế hoạch gần 85.000 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, đây là con số rất ấn tượng, cần phân tích sâu hơn trong điều hành kinh tế xã hội và thu ngân sách của năm 2023.

CHI ĐẦU TƯ CÔNG, TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ 2023

Tại Hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho rằng, kết quả thu khả quan nhưng kết quả chi lại khó khăn hơn nên giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được kế hoạch đề ra. Chính vì thế, ngay đầu năm 2023, nhiệm vụ chi phải được TP.HCM đề ra rõ ràng. Chi đầu tư công phải thực hiện sớm để dẫn dắt nền kinh tế... Tính đến 28/12, chi đầu tư công chỉ đạt 54%. Ông Mãi kỳ vọng, đến 20/1/2023, tỉ lệ chi cho đầu tư công sẽ đạt khoảng 86%.

Kinh tế TP.HCM năm 2022 có nhiều điểm sáng, tuy nhiên năm 2023 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế TP.HCM năm 2022 có nhiều điểm sáng, tuy nhiên năm 2023 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, cùng với những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, TP.HCM phải nỗ lực và năng động hơn nữa để vượt qua những thách thức này, giữ vững sự tăng trưởng. Dự đoán sẽ có nhiều biến động, cả nước và TP.HCM sẽ gặp những khó khăn mới. Theo dự báo, tình hình khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2023. Nếu có giải pháp tốt, có hiệu quả thì đến hết quý I/2023 mới khắc phục được.

 

"Các đơn vị phải nhận diện được thách thức, khó khăn năm 2023 để có giải pháp triển khai phù hợp; cùng với đó cần theo sát nắm bắt tình hình để kịp thời điều hành, không bị động; bám sát và thực hiện chủ đề của năm là tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các đơn vị ngành Tài chính TP.HCM cần nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù của TP.HCM để khai thác hiệu quả nguồn thu; nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước..."

- Chủ tịch Phan Văn Mãi.

Theo ông Phan Văn Mãi, so với con số thu được năm 2022 thì con số này thấp hơn nhưng cần nhìn thấy một điều là có những khoản thu trong năm 2023 sẽ không thể thu được. Đặc biệt, nguồn thu từ xuất nhập khẩu năm 2023 phải đạt mức 145.000 tỷ, cao hơn 5.000 tỷ so với 2022, cao hơn kế hoạch đã đề ra là 15.000 tỷ.

“Đây là một nhiệm vụ nặng nề trong hoàn cảnh, điều kiện kinh tế- xã hội năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Do đó, phải xác định trọng tâm, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội, từ đó có điều kiện để đảm bảo thu-chi”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Đồng thời, để thực hiện tốt nguồn thu, thành phố sẽ tăng cường quản lý và bồi dưỡng các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch với người nộp thuế và trong công tác quản lý thuế.

“Các cấp, các ngành tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiến hành các công việc sản xuất kinh doanh, bởi phải có doanh thu thì mới thu được. Các ngành, các cấp, từng cơ quan công chức, viên chức phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nâng cao chất lượng công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thu nộp ngân sách 2022.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thu nộp ngân sách 2022.

Dịp này, UBND TP.HCM cũng đã biểu dương, tặng bằng khen cho 66 đơn vị sở ngành, quận huyện và doanh nghiệp có thành tích đóng góp cho ngân sách. Trong đó, có 29 doanh nghiệp có số lượng nộp thuế trên 1.000 tỷ đồng được UBND TP.HCM biểu dương, khen thưởng.

TP.HCM DẪN ĐẦU THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI 2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, 2.036 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 17,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,45 tỷ USD (giảm 18,4% so với cùng kỳ); 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD (tăng 12,2% so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. Cụ thể, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ 2 với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3% sau Hà Nội là 18,6%).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate