October 09, 2022 | 11:18 GMT+7

TP.HCM tính phương án thay kết cấu nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sau sự cố đứt cáp ngầm

Xuân Nghi -

Hơn ba tuần kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện cáp ngầm dự ứng lực tại nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) bị đứt, sau nhiều cuộc họp liên ngành tìm giải pháp, phương án sửa chữa khắc phục sự cố công trình, TP.HCM đang tính toán phương án có thể thay thế kết cấu nhịp chính cầu vượt quan trọng này…

Kẹt xe không lối thoát sau khi cơ quan chức năng cấm tất cả các loại xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh vì sự cố nghiêm trọng đứt cấp ngầm dự ứng lực cầu vượt cửa ngõ giao thông này.
Kẹt xe không lối thoát sau khi cơ quan chức năng cấm tất cả các loại xe qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh vì sự cố nghiêm trọng đứt cấp ngầm dự ứng lực cầu vượt cửa ngõ giao thông này.

Giữa tháng 9/2022, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đã phát hiện việc đứt cáp ngầm dự ứng lực của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. 

SỰ CỐ ĐỨT CÁP NGẦM ĐÃ XẢY RA HƠN MỘT NĂM TRƯỚC

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh), nằm ở trục giao thông chính kết nối khu đông vào trung tâm TP.HCM, có chiều dài 618,29 m; bề rộng toàn cầu là 12,7 m, được  xây dựng năm 2001 và đưa vào sử dựng một năm sau đó.

Trụ cầu nhịp chính dài 55,5 m, dạng chân xiên bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên hệ cọc khoan nhồi. Trụ cầu nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép đặt trên hệ cọc khoan nhồi.

Sự cố khiến kết cấu công trình cho thấy rõ những thay đổi so với thiết kế, như bề mặt cầu bị võng, lõm và các dầm cầu bị chuyển vị, lệch, nứt. Trong quá trình rà soát khu vực ngầm, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện bốn bó cáp dự ứng lực của cầu đã bị cắt đứt ở độ sâu 1,8 m dưới lòng đất. Trong mỗi bó cáp này có bảy tao cáp, mỗi tao có đường kính 15,2 mm, được đặt trong ống nhôm đường kính 60 mm.

Tại vị trí bó cáp bị cắt đứt, cơ quan chức năng đã tìm thấy một cống hộp 2m x 2m của hệ thống thoát nước thuộc dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, hoàn thành vào tháng 3/2021 nằm ngay điểm giao cắt. Điều này chứng tỏ, cáp ngầm này đã bị đứt từ cách đây hơn một năm.

Vị trí đứt cáp ngầm dự ứng lực nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: TCIP, Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Vị trí đứt cáp ngầm dự ứng lực nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: TCIP, Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

Sự cố nghiêm trọng này đã làm võng mặt cầu nhịp chính 22,2 cm phía bên phải, 17 cm ở tim và 18,6 cm về bên trái, lớn hơn độ võng cho phép và tính toán chuyển vị ngang cho phép là 7,2 cm.

Ngay sau đó, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã  cấm xe tải, xe trên 16 chỗ lưu thông qua cầu. Đến ngày 29/9, sau khi cơ quan chức năng khảo sát, đo đạc các thông số của cầu thì TCIP quyết định cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu. Điều này đã dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng và liên tục tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

TÍNH TOÁN CÁC PHƯƠNG ÁN, KỂ CẢ XÂY MỚI CẦU VƯỢT

Ngày 04/10/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản khẩn chỉ đạo đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan dự án cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương, tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân sự cố.

Tiếp đó, Sở Giao thông vận tải đề xuất giải pháp khắc phục sự cố nêu trên theo quy định và báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian khắc phục sự cố, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an TP.HCM, Uỷ ban nhân dân Quận Bình Thạnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, thực hiện phương án tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, cần có giải pháp hướng dẫn, điều tiết, phân luồng giao thông từ xa, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông tại khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Thành phố cũng lập ra Tổ điều tra sự cố với đại diện của các sở ban, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông; trong đó có phương án thuê một đơn vị độc lập để giám định lại chất lượng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sau sự cố.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết sau khi phát hiện cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp, có những dấu hiệu bất thường thì Sở mới tiến hành tìm hiểu và phát hiện các bó cấp ngầm đã bị đứt.

Về trách nhiệm, ông Võ Khánh Hưng cho rằng thuộc về nhiều bên liên quan; trong đó TCIP là đơn vị thực hiện dự án nâng cấp sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Theo quy định, khi xảy ra sự cố thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công sẽ có trách nhiệm xử lý để bảo đảm giao thông cho người dân đi lại.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết, hiện tại chưa thể xác định là xây mới cầu vượt này hay chỉ sửa chữa, khắc phục vì còn phải chờ các cơ quan chuyên môn, cơ quan tư vấn, thẩm định vào cuộc khảo sát, tìm hiểu kỹ.

Một đoạn mặt cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị võng, vênh, đọng nước. Ảnh: Gia Minh.
Một đoạn mặt cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị võng, vênh, đọng nước. Ảnh: Gia Minh.

Trong thời gian chờ cơ quan chức năng và chuyên môn tổ chức giám định, Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu TCIP xem xét tạm dừng công tác thanh toán hợp đồng đối với các nhà thầu (dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh) để bảo đảm việc xử lý, khắc phục khi cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.

Ngày 05/10/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM đề xuất chủ trương chỉ định tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Theo đó, Sở đề nghị cho phép Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố chỉ định đơn vị tổ chức kiểm định thực hiện giám định chất lượng công trình phục vụ đánh giá nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục công trình.

Đơn vị kiểm định được lựa chọn là đơn vị tư vấn độc lập với chủ đầu tư dự án nâng cấp sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, bảo đảm năng lực và nhân lực có kinh nghiệm chuyên sâu về chuyên ngành cầu đường bộ, có kinh nghiệm thực hiện các công trình bị sự cố tương tự, bảo đảm theo quy định. Tổng kinh phí dự kiến cho công tác này (tạm tính) là 490 triệu đồng. Nguồn kinh phí kiểm định, trước mắt sử dụng nguồn kinh phí duy tu giao thông. Sau khi xác định rõ trách nhiệm theo quy định thì đơn vị chịu trách nhiệm hoàn trả kinh phí.

Lý do chỉ định đơn vị kiểm định: Chỉ định thầu để thực hiện khắc phục sự cố công trình theo quy định tại điểm a điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013.

Hiện tại, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang ghi nhận ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành, thành viên Tổ điều tra sự cố. Vẫn còn các ý kiến khác nhau, chưa thống nhất trong giải pháp về số liệu khảo sát, thu thập và tính toán, kiểm toán kết cấu và phương án, giai đoạn sửa chữa…

 

Sở Giao thông vận tải Thành phố đề nghị TCIP nhanh chóng xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình, xây dựng kế hoạch khảo sát, quan trắc và tiến độ thực hiện các công việc sửa chữa khắc phục sự cố công trình, trong đó có tính toán đến phương án thay thế kết cấu nhịp chính (trường hợp sửa chữa kết cấu nhịp hiện hữu không bảo đảm).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate