Sáng 19/6, Ủy ban nhân dân TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lễ khởi động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cùng đại diện các cơ quan, Ban/ ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các đơn vị tại TP.HCM.
THẦN TỐC TRIỂN KHAI
Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, TP.HCM được phân bổ 836.000 liều vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đây là đợt tiêm chủng Covid-19 lần thứ 4 và là đợt tiêm chủng lớn nhất của TP.HCM với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày, từ 20 - 27/6/2021.
Để triển khai thần tốc, TP.HCM tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm/ngày, bao gồm điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm lưu động.
Các đội tiêm đến từ các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng hoặc công bố đủ điều kiện tiêm vaccine phòng Covid-19 tham gia chiến dịch tiêm chủng như: Viện Y học dự phòng quân đội phía Nam, Cục quân Y, Bệnh viện thuộc Bộ ngành, các bệnh viện công lập, ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (VNVC), Trung tâm Y tế, Trạm y tế, Các cơ sở thuộc hệ thống VNVC, Phòng khám tư nhân…
Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm trên chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ, trong 1 ngày sẽ có 200.000 người được tiêm và sẽ hoàn thành trước ngày 27/6.
Công nhân đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong việc được ưu tiên tiêm vaccine, đặc biệt là lực lượng làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho sự vận hành các chuỗi sản xuất được thông suốt.
Theo Sở y tế, mặc dù triển khai quyết liệt và thần tốc nhưng mục tiêu đặt lên hàng đầu là phải đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vừa đảm bảo phòng chống, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định, vừa đảm bảo tiêm tới đâu an toàn tới đó.
Các đối tượng được tiêm chủng sẽ được thực hiện khám sàng lọc theo hướng dẫn tạm thời trước tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn. Những trường hợp ghi nhận có các yếu tố cần thận trọng sẽ được khám chuyên khoa và tiêm chủng tại bệnh viện.
Đồng thời, tư vấn đầy đủ cho đối tượng tiêm chủng về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vaccine và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
HẾT NĂM 2021: 2/3 NGƯỜI DÂN ĐƯỢC TIÊM VACCINE
Cũng theo bác sĩ Hưng, thành phố đã bước vào tuần lễ thứ 3 của đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền TP.HCM phố đang quyết tâm kiểm soát và khống chế dịch bệnh bằng nhiều biện pháp quyết liệt và cũng nhận được sự đồng thuận của người dân.
“Đợt dịch thứ 4 này phức tạp hơn các đợt dịch trước. Việc nhận 836.000 liều vaccine (trong đó có 50.000 liều cho lực lượng công an và quân đội) thật sự rất đáng quý, cho thấy sự quan tâm của chính quyền nhà nước với người dân.
TP.HCM sẽ căn cứ theo Nghị quyết 21 của Chính phủ quy định về nhóm đối tượng ưu tiên và dựa trên số lượng vaccine Covid-19 được phân bố đợt này để tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng theo đúng đối tượng.
“Được sự cho phép của Chính phủ, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán và tìm các nguồn cung cấp vaccine để tiếp tục mở rộng tiêm chủng cho người dân TP.HCM nhằm tiến tới nhanh nhất việc miễn dịch cộng đồng, với mục tiêu đến hết năm 2021 có 2/3 người dân TP.HCM được tiêm chủng vaccine Covid-19”, bác sĩ Hưng cho biết thêm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, công nhân đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong việc được ưu tiên tiêm vaccine, đặc biệt là lực lượng làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho sự vận hành các chuỗi sản xuất được thông suốt. "Đây là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, do đó trong bối cảnh này sẽ được ưu tiên", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Chính vì thế, trong ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng này, công nhân, người lao động của 2 doanh nghiệp đầu tiên, gồm Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam và Công ty FPT Software (với khoảng 500 người) trong Khu công nghệ cao TP.HCM (thành phố Thủ Đức) là những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng Covid-19.