Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 tổ chức ngày 28/8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nêu ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho thành phố kéo dài thời gian năm học 2021 - 2022.
Theo ông Dương Anh Đức, do dịch bệnh còn phức tạp nên học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh không thể bắt đầu năm học mới bằng hình thức truyền thống. Giáo dục trung học bắt đầu năm học từ 1/9. Khối tiểu học bắt đầu muộn hơn 1 tuần và sẽ dành 10 ngày đầu để giáo viên tổ chức lớp, hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet.
Thành phố đã lên kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế và sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi có điều kiện. Tuy nhiên, theo ông Anh Đức, dịch bệnh còn kéo dài, học trực tuyến không thể thay thế cho việc học trực tiếp. Vì thế, thành phố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, 2.
Cũng trong hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh còn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên, nhất là những em có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Liên quan đến vấn đề học phí, ông đề đạt Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về học phí đã hết hiệu lực từ năm học tới.
Chia sẻ thông tin về tình hình năm học 2021-2022, ông Anh Đức cho hay, học sinh thành phố không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp mà sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ I. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo tiêm vaccine đầy đủ cho giáo viên khi trường học tái mở cửa và sẽ tiến hành tiêm vaccine cho học sinh ở độ tuổi phù hợp với các quy định của ngành y tế khi điều kiện cho phép.
Theo ông Đức, thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí và yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu. Ngoài ra, thành phố còn rất quan tâm đến giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị mất việc, mất thu nhập, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng như mầm non.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố nên việc phát hành sách giáo khoa bị chậm. Theo đó mới hơn 60% sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới được chuyển đến các trường. Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phân phối sách sớm nhất cho học sinh tuỳ tình hình khu vực, cung cấp sách giáo khoa điện tử cho lớp 1-12 trên Internet và thông tin đến phụ huynh.
Thành phố đặc biệt chỉ đạo các trường nắm thông tin hoàn cảnh của học sinh để thống kê trường hợp khó khăn khi học trên Internet. Từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể như kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính và trang thiết bị học tập.