Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 9/12, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2025. Theo đó, HĐND TP. Hồ Chí Minh thống nhất với phương án dự kiến bố trí nguồn vốn Trung ương bố trí cho Thành phố năm 2025, với gần 3.237,5 tỷ đồng.
Cụ thể, các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong nước, gồm: Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú với 330 tỷ đồng; Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố gần 1.547,5 tỷ đồng; Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 50 với 80 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn, với 1.180 tỷ đồng; HĐND Thành phố thống nhất nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn nước ngoài bố trí cho dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh - giai đoạn 2 với 100 tỷ đồng.
HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng thông qua Kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách nhà nước của Thành phố với gần 80.911,5 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2025 trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP. Hồ Chí Minh với hơn 78.887,1 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ gần 3.217,3 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của các huyện và TP. Thủ Đức từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách Thành phố với hơn 2.024,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua việc phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2025 trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, phân bổ chi tiết tổng số vốn hơn 62.399,3 tỷ đồng.
Trong đó, bố trí từ nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ, với gần 3.217,3 tỷ đồng; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài với hơn 984,7 tỷ đồng; bố trí vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP với hơn 140,6 tỷ đồng; bố trí vốn chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm, với 901 tỷ đồng.
Ngoài ra, bố trí vốn cho Chương trình kích cầu đầu tư, với 150 tỷ đồng; bố trí vốn cho Nhiệm vụ quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với hơn 13,5 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố tập trung, với hơn 48.782,1 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận và vốn ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận với hơn 255 tỷ đồng; bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP. Hồ Chí Minh cho ngân sách 5 huyện và TP. Thủ Đức với gần 7.955 tỷ đồng;
HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng thông qua dự phòng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 với gần 16.487,8 tỷ đồng để tiếp tục bố trí bổ sung vốn cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công được phân bổ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Hồ Chí Minh trong các đợt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2025.
HĐND TP. Hồ Chí Minh giao UBND TP. Hồ Chí Minh kiên trì theo dõi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm xem xét bố trí đủ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương; đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của từng số liệu, số vốn bố trí của từng dự án; đảm bảo bố trí vốn cho từng dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan; có giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn được giao đảm bảo trên 95% theo quy định.
Trước khi tiến hành giao vốn cho từng dự án cụ thể, HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát kỹ pháp lý của từng dự án, chỉ bố trí vốn cho các dự án đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; chịu hoàn toàn trách nhiệm khi chi kinh phí thực hiện dự án không đúng quy định, không bố trí vượt tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo cân đối đủ vốn theo kế hoạch được giao theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan, đúng mục đích, tiết kiệm, đảm bảo mục tiêu, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn công trình, tiến độ dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản nhà nước.
Đối với số vốn dự phòng còn lại chưa phân bổ, với gần 16.487,8 tỷ đồng, HĐND Thành phố giao UBND Thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư liên quan và trình HĐND TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh, bổ sung vốn cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công năm 2025 tại các kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh tiếp theo trong năm 2025.
Đồng thời, thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án để có phương án điều hòa, điều chuyển vốn giữa các dự án các đợt trong năm, trong đó giảm vốn của các dự án giải ngân thấp để ưu tiên bổ sung cho các dự án giải ngân cao nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân theo quy định.
Được biết, năm 2024, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 79.263 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 3.686 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỷ đồng.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố đã triển khai, quán triệt nhiều giải pháp trọng tâm trong các tháng còn lại của năm và chỉ đạo xử lý, tháo gỡ đối với từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.
Tuy nhiên, UBND Thành phố nhìn nhận quá trình triển khai, Thành phố có một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu khách quan như sự thay đổi của một số pháp luật liên quan, phụ thuộc tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục thuộc thẩm quyền các Bộ, ngành trung ương. Chưa kể, còn vướng thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục điều chỉnh quy hoạch;…
Tính đến 29/11, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố còn chậm, đã giải ngân là 19.723 tỷ đồng, đạt 24,9% số vốn được giao. Dự kiến, Thành phố sẽ phấn đấu giải ngân đến hết tháng 12 đạt là 60.944 tỷ đồng, tỷ lệ 76,9%; đến hết niên độ Kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) giải ngân đạt là 64.528 tỷ đồng, tỷ lệ 81,4% (trên 79.263 tỷ đồng vốn giao).