Đây là 1 trong 9 nội dung Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thí điểm, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2024- 2028 vừa được Ban Thường vụ Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh và Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết.
Hội nghị nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 không chỉ là cơ hội cho Tp.Hồ Chí Minh, mà còn là cho ngành Khoa học và Công nghệ để thử nghiệm các chính sách của Bộ, của ngành.
Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đề xuất thực tiễn của Thành phố, sẵn sàng phân cấp, phân quyền khi đáp ứng đủ điều kiện cần có, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả khoa học và công nghệ thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội.
9 NỘI DUNG LỚN THÚC ĐẨY KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Chương trình phối hợp, nghiên cứu xây dựng và thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thành phố với 9 nội dung lớn trọng tâm.
Thứ nhất, áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động khoa học và công nghệ tại Thành phố.
Thứ hai, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án khoa học và công nghệ; cơ chế tài chính các chương trình, dự án khoa học và công nghệ cho công tác lập dự toán, phê duyệt dự toán, quyết toán, mua sắm công,… đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể như, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Internet kết nối vạn vật (IoT); dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn; chuỗi khối; công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt; Robotics, tự động hóa; in 3D tiên tiến;
Công nghệ sinh học; công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp; công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; công nghệ tế bào gốc; công nghệ vi sinh tiên tiến; công nghệ dược; công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế; công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao;
Cùng với đó là vật liệu nano; vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh; vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử; vật liệu in 3D tiên tiến; vật liệu y sinh học.
Thứ ba, áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của Thành phố về hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistic, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng.
“Phải xem đây là cơ hội để ngành Khoa học và Công nghệ thí điểm một số cơ chế, chính sách chưa từng có trong tiền lệ, bứt phá một số “điểm nghẽn” trong công tác quản lý để có bảo cáo, đánh giá hiệu quả, tác động báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép nhân rộng mô hình cả nước”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định.
Thứ tư, xây dựng và áp dụng thí điểm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 05 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố;
Thứ năm, xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ sáu, cơ chế tài chính sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ… nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ.
Thứ bảy, cơ chế sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cho các hoạt động: thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thứ tám, xây dựng và áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay chưa có quy định.
Thứ chín, xây dựng và triển khai mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Thành phố theo thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đề nghị các đơn vị chức năng chuyên môn của Bộ phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Sở Khoa học và Công nghệ Tp.Hồ Chí Minh tích cực, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo nội dung Chương trình phối hợp được ký kết. “Phải xem đây là cơ hội để ngành Khoa học và Công nghệ thí điểm một số cơ chế, chính sách chưa từng có trong tiền lệ, bứt phá một số “điểm nghẽn” trong công tác quản lý để có bảo cáo, đánh giá hiệu quả, tác động báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép nhân rộng mô hình cả nước”. ông Định nhấn mạnh.