October 03, 2023 | 13:15 GMT+7

Trà Vinh tập trung phát triển 4 khu công nghiệp

Thanh Xuân -

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 khu công nghiệp, chú trọng hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông nội bộ và giao thông kết nối...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Trà Vinh bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền tỉnh Trà Vinh và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Để đạt mục tiêu, Quy hoạch đề ra phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực; phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật… Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Trà Vinh: Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 14 đô thị (1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V).

Cụ thể, đô thị trung tâm gồm TP.Trà Vinh mở rộng (đô thị loại II); thị trấn Càng Long mở rộng (đô thị loại IV) và thị trấn Châu Thành, đô thị Tân An - huyện Càng Long (đô thị loại V); đô thị Hưng Mỹ - huyện Châu Thành (đô thị loại V).  TP.Trà Vinh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật và giáo dục đào tạo của tỉnh, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối các đô thị trong tỉnh và các khu vực liên tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Các đô thị phía Tây gồm thị xã Tiểu Cần (đô thị loại IV), thị trấn Cầu Kè (đô thị loại V) và thị trấn Ninh Thới (đô thị loại V); là khu vực đầu mối giao thông vùng Tây Nam tỉnh Trà Vinh, kết nối với địa phương trong tỉnh và tỉnh Sóc Trăng. 

Các đô thị phía Đông gồm thị xã Duyên Hải (đô thị loại III); thị trấn Trà Cú, thị trấn Định An, thị trấn Cầu Ngang mở rộng, thị trấn Mỹ Long, thị trấn Long Thành và thị trấn Ngũ Lạc. Đây là động lực phát triển kinh tế biển, khu vực kết nối giao thông trong tỉnh và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thông hàng hải. 

Còn về phương án quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện: vùng liên huyện phía Đông và vùng liên huyện phía Tây sẽ theo phương án quy hoạch tổ chức các vùng kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời quy hoạch 7 vùng huyện bảo đảm phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể của tỉnh, gồm huyện Tiểu Cần (định hướng lên thị xã vào năm 2030), Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải.

Bên cạnh đó, về phương án phát triển khu kinh tế: Khu kinh tế Định An sẽ thành khu kinh tế động lực của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ; phát triển khu nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ, du lịch với sản phẩm độc đáo gắn với cảng biển, dịch vụ logistics. 

Đối với khu công nghiệp: tập trung phát triển 4 khu công nghiệp, chú trọng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, hệ thống giao thông nội bộ và giao thông kết nối bên ngoài khu công nghiệp... Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, chú trọng dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp quy hoạch của từng khu công nghiệp. Nghiên cứu phát triển mới khu công nghiệp trong Khu kinh tế ven biển Định An với tính chất đa chức năng.

Cụm công nghiệp: đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; thu hút đầu tư vào ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.

Đến năm 2030, tỉnh Trà Vinh có 8 cụm công nghiệp: Sa Bình 32,58ha, Bà Trầm 25ha, Tân Ngại 10,10ha, An Phú Tân 20ha, Phú Cần 10,50ha, Lưu Nghiệp Anh 31,52ha, Hiệp Mỹ Tây 40ha, Bình Phú 33ha.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate