Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vừa nhận được thư của APHIS thông tin, vào ngày 7/8/2023, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến "Yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR)" để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.
DỪA VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA MỸ
"Các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức. Vì APHIS đã phân loại dừa đã tách một phần vỏ là sản phẩm đã qua chế biến nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ”, thư của APHIS khẳng định, đồng thời cho biết đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của Hoa Kỳ.
APHIS cũng đã tiến hành song song việc lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong tiến trình tiếp cận thị trường và công tác phân tích nội bộ để đánh giá mặt hàng này. Kết quả đánh giá cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể.
"Bên cạnh Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chính ngạch sang Trung Quốc".
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
Điều này có nghĩa là thay vì phải trải qua quy trình pháp lý tiếp cận thị trường mới và lâu dài đối với trái cây và rau quả tươi, APHIS có thể tận dụng các quy định hiện hành đối với các sản phẩm đã qua chế biến để điều chỉnh các lô hàng dừa sọ. Điều này đã đẩy nhanh tiến độ đáng kể để APHIS phê duyệt nhập khẩu dừa từ Việt Nam.
Trước đó, tháng 4/2023, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết đã hoàn tất thủ tục và mở cửa thị trường cho bưởi chùm từ Mỹ vào Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình đánh giá và mở cửa đối với dừa và chanh leo của Việt Nam.
Hồi tháng 2/2023, phía Mỹ đã gửi kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi của Việt Nam. Theo đó, 43 loài dịch hại trên cây dừa được xác định nhưng không loài nào có khả năng đi theo dừa non tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Mỹ đã yêu cầu Việt Nam phải xử lý dừa non tươi sau thu hoạch như loại bỏ những quả thối, rụng, gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa.
Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ để lựa chọn những biện pháp kiểm dịch thực vật thích hợp, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại. Đồng thời, ngay trong tháng 2/2023, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã gửi công văn tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trồng dừa, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu liên quan.
Trong thư mới nhất, APHIS cũng mời phái đoàn của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam tham gia cuộc họp song phương về sức khỏe cây trồng năm 2023. Phía Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ bày tỏ kỳ vọng hai bên có thể đi tới thỏa thuận cuối cùng về các yêu cầu nhập khẩu của Việt Nam đối với đào và thanh đào California (Mỹ) trong quá trình đàm phán sắp tới.
TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU TRÁI CÂY “TỶ ĐÔ” RẤT LỚN
Việt Nam thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 200.000ha đất nông nghiệp trồng dừa, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ tư khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu thống kê được các nhóm sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa thì ngành này có thể đã vào nhóm xuất khẩu “tỷ đô”.
"Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển được gần 90 sản phẩm chế biến từ dừa và khoảng 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Trong đó, sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất".
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho hay cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam".
“Hiện nay ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa”, ông Khoa chia sẻ.
Trong bối cảnh sức mua thị trường thế giới giảm, từ cuối năm 2022, giá nguyên liệu dừa trong nước cũng giảm theo. Việc này ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng dừa.
Tuy nhiên, dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt trong nửa đầu năm 2023. Do vậy, một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới.
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa còn rất lớn. Tuy nhiên, mùa xâm nhập mặn hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu.
Do vậy, bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.
Theo bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc khối nguyên liệu Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), hiện nay, Betrimex đã phát triển được hơn 8.300 ha vùng trồng ở Bến Tre và Trà Vinh đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Muốn phát triển ngành dừa theo hướng gia tăng giá trị, bà Liên cho rằng cần phải cải tiến khâu sơ chế. Hầu như sơ chế dừa trái đang làm thủ công, vì vậy nhà khoa học cần quan tâm nghiên cứu phát triển máy móc sơ chế dừa trái, để các doanh nghiệp giảm phụ thuộc lao động thủ công.
Bà Trúc Liên cũng đề xuất cơ chế ưu đãi về vốn cho các dự án đầu tư công nghệ chế biến dừa và các dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững, theo các tiêu chuẩn hữu cơ của các thị trường khó tính.