November 22, 2022 | 09:55 GMT+7

Trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin thị trường

Phan Thanh Hà

Đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP; trong khi đó chính quyền các địa phương hầu như không phát hành được trái phiếu. Như vậy, thị trường vốn đã tương đương với thị trường tiền tệ (dư nợ tín dụng là 131,8% GDP)...

Ban đầu, khi chính sách thay đổi đột ngột có đánh giá cho rằng thị trường chỉ chững lại vài tháng nhưng thực tế chỉ số VN-Index cuối tháng 10 đã giảm xuống dưới 1.000 điểm, giảm hơn 30% so với đầu năm. Đến nay, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư đã rõ ràng.

Tiếp theo việc xử lý công ty Tân Hoàng Minh, công ty VKC Holdings (một doanh nghiệp liên quan nhóm Louis Holding) đã phải thông báo tạm hoãn việc thanh toán lãi một lô trái phiếu do mất khả năng thanh toán. Tình trạng không thanh toán nghĩa vụ trái phiếu trở nên nghiêm trọng hơn với vụ công ty An Đông, Vạn Thịnh Phát mà quy mô lớn hơn nhiều lần so với vụ Tân Hoàng Minh. Tình hình mất thanh khoản, không thanh toán nợ đến hạn chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu không nói là đang lan rộng.

Nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin với thị trường vốn đang dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản. Nếu nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính không được nhìn nhận và giải quyết một cách kịp thời thì tác động sẽ truyền đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thực: tiếp theo sẽ là đình trệ sản xuất kinh doanh, đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động.

CĂN NGUYÊN CỦA KHỦNG HOẢNG THANH KHOẢN 

Cho rằng rủi ro và khủng hoảng là thuộc tính đương nhiên của thị trường, nhiều tổ chức phát hành sai phạm và nhà đầu tư phải ráng chịu là chưa thấy hết mối quan hệ giữa các thị trường và những hậu quả dây chuyền nghiêm trọng có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Vấn đề của thị trường chứng khoán, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là rủi ro của nhà đầu tư cá nhân mà là rủi ro hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng.

Cơ quan quản lý cần hỗ trợ cho doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu, đặc biệt là với những doanh nghiệp có trái phiếu sắp đến hạn, khi tình trạng mất thanh khoản của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang lan nhanh. Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, Chính phủ Mỹ đã phải thay đổi chính sách, chuyển từ chỗ để doanh nghiệp tự xoay xở theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường sang bỏ tiền ra để cứu trợ, ngăn đổ vỡ dây chuyền: dùng 200 tỷ USD để cứu Freddie Mac và Fannie Mae (hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước) khỏi phá sản và cứu AIG (một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất) bằng cách mua 80% cổ phần tương đương 85 tỷ USD.

Trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin thị trường - Ảnh 1

Trước mắt, cần xử lý ngay vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tránh vỡ nợ dây chuyền. Cần tham khảo kinh nghiệm thành công xử lý vấn đề thị trường trái phiếu chính phủ những năm 2011-2015, tuy thị trường trái phiếu chính phủ có nhiều điểm khác biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ có lãi suất rất cao và kỳ hạn ngắn: lãi suất lên đến 12-13%/năm và năm 2013 kỳ hạn vay 1-3 năm chiếm tới 77% tổng lượng phát hành. Việc phát hành thêm để trả nợ đã giúp thị trường trái phiếu chính phủ trở về trạng thái an toàn với lãi suất 3-4%/năm và kỳ hạn thậm chí lên đến 20-30 năm.

KHÔI PHỤC NIỀM TIN TỪ CÔNG CHÚNG ĐẦU TƯ 

Doanh nghiệp có thể xử lý nợ trái phiếu đến hạn bằng cách phát hành thêm, bán tài sản, trước hết là tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, đàm phán gia hạn nợ. Một số doanh nghiệp bất động sản còn tự tìm cách xử lý như đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản…

Đối với trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, khó có thể sử dụng cách phát hành đảo nợ như trái phiếu chính phủ do: (i) dòng tiền chảy vào các công ty con của ngân hàng thương mại bị hạn chế theo Thông tư 16, Thông tư 39; (ii) thị trường đã bị thu hẹp đáng kể sau những vụ khởi tố các chủ doanh nghiệp với cáo buộc lừa đảo khiến nhà đầu tư mất lòng tin (iii) việc phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ tuy được cho phép theo Nghị định 65 nhưng thủ tục trở nên phức tạp hơn nhiều; (iv) lãi suất đang tăng cao làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65) ra đời không giải quyết được vấn đề của thị trường hiện nay là do nhà đầu tư mất niềm tin, chứ không phải do thắt chặt điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khẳng định “luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân" chưa thể trấn an nỗi lo lắng và khôi phục lòng tin của người dân.

Nghị định 65 bổ sung quy định tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn nếu doanh nghiệp vi phạm phương án phát hành, gồm phương án sử dụng vốn, hoặc vi phạm pháp luật. Nhưng nghị định bỏ ngỏ cách giải quyết bằng các biện pháp khác, nhất là đối với trường hợp bị chấm dứt phát hành theo quyết định của cơ quan nhà nước.

Nghị định 65 thực tế không hạn chế đáng kể điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp, dù yêu cầu thêm thời hạn nắm giữ chứng khoán niêm yết 2 tỷ đồng (tính trung bình) trong 6 tháng và giấy xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng (một thời hạn ngắn hiếm có đối với giấy phép).

Về phía Chính phủ, cần tập trung điều tra, giải quyết dứt điểm các vụ án kinh tế. Lặp lại tình trạng dàn trải trong đầu tư công thì tác dụng thuyết phục, cảnh tỉnh sẽ không cao. Cùng lúc xảy ra nhiều vụ việc chưa có kết luận điều tra thì tác động chủ yếu là gây bất an, lợi bất cập hại. Trước khi xử lý hình sự (truy tố, đưa ra tòa án xét xử), nên cho phép các tổ chức phát hành và trái chủ thỏa thuận với nhau về thanh toán nợ để tìm giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại. Như vậy sẽ hạn chế tác động vỡ nợ dây chuyền có thể dẫn đến hoảng loạn gây sụp đổ thị trường tài chính.

Phong tỏa tài sản để đảm bảo thi hành án là đúng đắn nhưng cần cho phép và tạo điều kiện để các công ty bất động sản bán tài sản trả nợ, nhất là các công ty phát hành cổ phiếu, trái phiếu bị cáo buộc lừa đảo bán giấy lấy tiền. Tiền thu được từ bán tài sản của công ty mà lãnh đạo bị khởi tố được giữ ở Kho bạc Nhà nước do cơ quan điều tra quản lý thì không phải là hình thức tẩu tán tài sản. Đó là cách minh chứng cho việc sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành, nhất là khi giá trị tài sản lớn hơn số tiền đi vay.

Trong các giải pháp từ phía chính phủ cho trái phiếu doanh nghiệp thì nới tín dụng để giải quyết thanh khoản là nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó có thể cân nhắc sử dụng số tiền tạm thời nhàn rỗi của ngân sách nhà nước đang gửi ngân hàng thương mại nhà nước để thực hiện cơ chế tương tự như xử lý nợ xấu ngân hàng qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Bộ Tài chính giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) xử lý trái phiếu mất thanh khoản, cho các tổ chức phát hành trái phiếu vay trên cơ sở có tài sản đảm bảo.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 phát hành ngày 14-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin thị trường - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate