Hồi đầu tháng 4, Hoa Kỳ và EU đã liệt tập đoàn Alrosa của Nga - nhà sản xuất lượng kim cương carat lớn nhiều nhất trên thế giới - vào danh sách trừng phạt. Mà Alrosa chiếm 27% thị phần thế giới và 95% sản lượng khai thác kim cương của Nga. Năm ngoái, doanh số bán kim cương thô và đã qua chế tác của tập đoàn Nga đạt 4,169 tỷ USD.
Một loạt các hãng kim hoàn quốc tế nổi tiếng, bao gồm thương hiệu Tiffany & Co của Mỹ, nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Thụy Sĩ Chopard, Signet và Pandora - nhà sản xuất trang sức lớn nhất thế giới, đã tuyên bố rằng họ sẽ ngừng mua kim cương xuất xứ từ Nga. Tập đoàn Richemont sở hữu nhãn hiệu đồng hồ siêu sang Cartier cùng công ty trang sức Van Cleef & Arpels mới đây cũng cho biết tất cả các thương hiệu này sẽ không nhập kim cương của Nga.
Tuy nhiên, nhiều công ty ở các thị trường khác thì không thực hiện bước đi tương tự, ví dụ như các nhà bán lẻ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông. Bloomberg lưu ý rằng một số người trong ngành kim cương Ấn Độ vẫn quan tâm đến việc mua hàng từ Nga. Theo nguồn thạo tin, người mua trên khắp các trung tâm thương mại lớn ở Antwerp, Dubai và các trung tâm sản xuất lớn ở Ấn Độ đã dành hai tuần qua để tham khảo ý kiến các luật sư. Họ muốn xác định nội dung các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Alrosa PJSC và tìm cách để có thể tiếp tục mua kim cương.
Trong khi đó, kim cương của Nga đã không còn được chuyển đến Surat, Ấn Độ, trung tâm chế tác kim cương của thế giới. Các ngân hàng Ấn Độ không thể hoặc không muốn xử lý các khoản thanh toán. Một phái đoàn của Alrosa đã đến thăm Ấn Độ vào đầu tuần này và tổ chức các cuộc họp với khách hàng và các nhóm thương mại để thảo luận về cách tạo thuận lợi cho việc mua bán kim cương. Sự gián đoạn đã tác động đến giá kim cương khi những viên đá nhỏ hơn mà Alrosa chuyên sản xuất đã bắt đầu tăng giá trong tuần qua.
Theo một báo cáo của Bloomberg, giá của những viên kim cương thô nhỏ để làm nhẫn đã tăng gần 20% kể từ đầu tháng 3. Với việc Alrosa không tham gia cuộc chơi, những người thợ cắt kim cương, thợ đánh bóng và giới kinh doanh đều đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp đá quý. Vỗn dĩ, ngành này vốn đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đá thô trước cả khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ. Giá kim cương thô trong năm qua đã tăng khi người tiêu dùng Mỹ, thị trường quan trọng nhất, đã mua trang sức với số lượng kỷ lục. Điều đó đã tạo ra sự bùng nổ cho các công ty kinh doanh, chế tác và sản xuất kim cương.
Tương tự như những gì đang xảy ra với công ty kim cương Endiama thuộc Angola. Được biết, công ty độc quyền nhượng quyền khai thác kim cương ở Angola đã thông báo giảm gần 1/3 sản lượng kim cương trong năm nay xuống 10,05 triệu carat, giảm so với mức 13,8 triệu carat dự kiến.
"Một trong những thách thức lớn đối với năm 2022 chắc chắn sẽ là duy trì tính bền vững của các khu mỏ đào kim cương trong khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn," theo tài liệu của chính phủ Angola. Tài liệu này cũng giải thích. "Bởi vì các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga của Hoa Kỳ và các nước phương Tây có thể ảnh hưởng đến một số công ty khai thác quốc gia, trì hoãn việc cung cấp một số máy móc, bộ phận và phụ tùng.”
Trước đây, De Beers, một công ty lớn khác trên thị trường kim cương, có thể tham gia vào nguồn cung nhờ sản lượng dự trữ của mình. Tuy nhiên giờ đây công ty chỉ làm trên những mặt hàng có sẵn. “Rất khó để thấy chúng tôi đưa vào sản xuất bất cứ sản phẩm mới nào”, Giám đốc điều hành của De Beers, Bruce Cleaver chia sẻ với Bloomberg. “30% nguồn cung bị loại bỏ là một việc khó chống đỡ được”. Nguồn cung của De Beers có thể sẽ không tăng nhiều cho đến năm 2024, khi việc mở rộng tại mỏ hàng đầu ở Nam Phi của công ty được hoàn thành.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng kim cương của Nga sẽ bắt đầu bị mạo nhận nguồn gốc ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thực tế thì kim cương được kết hợp trong suốt cả quá trình cắt, làm bóng, sản xuất và thiết kế các loại trang sức, vì vậy sẽ rất khó để đảm bảo xác định viên kim cương nào đến từ đâu. De Beers đang cố gắng để tìm ra cách đảm bảo những viên kim cương của công ty không rơi vào mớ hỗn độn đó. Hiện Alrosa đã từ chối đưa ra bình luận.
Hầu hết kim cương của Nga đều có nguồn gốc từ Alrosa, và công ty được nhà nước kiểm soát hiệu quả. Chính phủ liên bang sở hữu 33% và chính quyền địa phương nắm giữ 25%. «Nếu chính phủ Hoa Kỳ quyết định mở rộng biện pháp trừng phạt với toàn bộ kim cương khai thác ở Nga, bất kể là được chế tác ở đâu, thì chờ đợi chúng ta sẽ là sự gián đoạn đáng kể,» chuyên gia phân tích Edahn Golan, người sáng lập Edahn Golan Diamond Research & Data, nói với tờ Sputnik. “Nếu lệnh trừng phạt chống Alrosa vẫn duy trì đến cuối năm, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu mức gia tăng chi phí trang sức kim cương trong dịp mua sắm Giáng sinh và năm mới”.