Vừa mở màn, cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền đã rơi vào tranh cãi nảy lửa, cho thấy mối chia rẽ sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh cho dù Nhà Trắng đã có vị chủ nhân mới.
Theo tin từ Bloomberg, vừa ngồi vào bàn đàm phán ở Anchorage thuộc vùng đất lạnh giá Alaska, hai bên đã đấu khẩu kịch liệt về các vấn đề nhân quyền, thương mại và các liên minh quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sẽ nêu lo ngại của Mỹ về các vụ tấn công mạng, cách đối xử của Trung Quốc với người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, cũng như việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Hồng Kông.
"Lựa chọn thay thế cho một thế giới dựa trên các nguyên tắc là một thế giới mà ở đó kẻ mạnh là kẻ đúng và kẻ thắng giành tất cả. Đó sẽ là một thế giới đầy rẫy bạo lực và bất ổn", ông Blinken phát biểu.
Trung Quốc phản bác mạnh mẽ đánh giá này của nhà ngoại giao Mỹ. Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa ra một phát biểu dài, trong đó nói rằng các nước phương Tây không đại diện cho ý kiến của nhân dân thế giới và kêu gọi Mỹ là "nhà vô địch" của các vụ tấn công mạng.
"Thực ra, nhiều người ở Mỹ gần như không tin tưởng gì vào nền dân chủ Mỹ", ông Dương nói, lấy dẫn chứng là các vụ sát hại người Mỹ gốc Phi và phong trào đấu tranh đòi bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi Black Lives Matter. Ở cuối phát biểu của mình, ông Dương nói rằng những đánh giá của ông Blinken là "không bình thường".
Đến lượt mình, ông Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiếp tục đưa ra những câu từ gay gắt. Ông Sullivan nói "một quốc gia tự tin có thể nhìn thẳng vào những thiếu sót của mình và không ngừng khắc phục những thiếu sót đó. Và đó chính là bí quyết của nước Mỹ".
Từ nhiều tuần trước cuộc đàm phán, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng họ sẽ chống lại mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền ông Biden nhằm can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Ông Dương vào tháng trước cảnh báo Washington không vượt qua "những giới hạn đỏ" của Bắc Kinh. Trong khi đó, trong chuyến công du châu Á tuần này, ông Blinken đã thể hiện một quan điểm cứng rắn, cáo buộc Trung Quốc "áp bức và gây hấn".
Sau phát biểu mở màn của hai bên, phiên đầu tiên của đàm phán cấp cao Mỹ-Trung tiếp tục diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
"Đó có phải là cách mà các ông muốn tiến hành cuộc đối thoại này?" ông Dương đặt câu hỏi thông qua người phiên dịch. "Tôi cho rằng chúng tôi đã nghĩ quá kỹ về Mỹ. Nước Mỹ không đủ tiêu chuẩn để nói chuyện với Trung Quốc từ một vị thế sức mạnh".
Các quan chức Trung Quốc cho rằng phát biểu mở màn đầy tính công kích của ông Blinken và ông Sullivan không phải là cách đối xử tốt với khách. Một quan chức cấp cao của Mỹ sau đó nói rằng phía Trung Quốc có ý định sử dụng "nghệ thuật sân khấu" thay vì đàm phán thực chất. Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, hai bên đã hoàn tất 3 phiên đàm phán.
Giới phân tích vốn không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán này, và khởi đầu căng thẳng càng khiến triển vọng của cuộc đàm phán thêm phần mờ mịt. Điều này một lần nữa cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt thách thức lớn như thế nào trong việc cải thiện mối quan hệ đã giảm sút xuống mức thấp. Một nguồn thạo tin tiết lộ rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Biden, một số quan chức Mỹ đã có cảm nhận không tốt về cuộc đàm phán này và cho rằng cuộc đàm phán có thể là một toan tính sai lầm.
"Do chính quyền ông Biden chưa đưa ra được các chính sách rõ ràng, nên mới dẫn tới việc họ đấu khẩu với Trung Quốc chẳng vì một mục đích cụ thể nào", chuyên gia Derek Scissors thuộc American Enterprise Institute phát biểu. "Việc dành vài tháng để rà soát và chuẩn bị nhân sự để đưa ra chính sách về Trung Quốc có thể là tốt, nhưng sau đó đừng cố thể hiện là bạn có thể có một cuộc đàm phán hữu ích với phía Trung Quốc".
Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, giới chức ở Bắc Kinh đã đặt ra khả năng về một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới, trùng với dịp Ngày Trái Đất để hướng sự chú ý sang một lĩnh vực mà hai bên từng nói rằng họ có thể đạt thỏa thuận là chống biến đổi khí hậu. Hiện chưa rõ khởi đầu sóng gió của cuộc đàm phán ở Alaska có làm chệch hướng nỗ lực tổ chức một cuộc gặp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo.
Căng thẳng được dự báo sẽ tiếp tục phủ bóng bàn đàm phán cấp cao Mỹ-Trung ở Alaska. Hai tháng sau khi lên cầm quyền, ông Biden có vẻ như sẽ không đưa ra thay đổi lớn nào đối với chính sách cứng rắn với Trung Quốc mà Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã theo đuổi.
"Ít nhất ban đầu, họ vẫn duy trì những gì mà chính quyền ông Trump để lại", giáo sư Aaron Frieberg thuộc Đại học Princeton nhận định về cách tiếp cận của chính quyền ông Biden với Trung Quốc. "Về những vấn đề cụ thể vấn đề Tân Cương, họ giữ nguyên chính sách của chính quyền trước, thay vì tìm một hướng đi khác".