July 21, 2015 | 06:15 GMT+7

Tranh chấp đất nông, lâm trường: Bao giờ đi đến hồi kết?

Đoàn Trần

Nếu những vướng mắc cũ trong sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh không được tháo gỡ, sẽ rất khó tạo được diện mạo mới cho lĩnh vực này

Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nắm chính xác con số diện tích các loại đất rừng do từng lâm trường quốc doanh quản lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nắm chính xác con số diện tích các loại đất rừng do từng lâm trường quốc doanh quản lý.
Phản ánh với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014, lãnh đạo nhiều địa phương phía Bắc bày tỏ lo ngại về một cuộc tranh chấp khó có hồi kết.

Tại hội thảo “Tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các lâm trường quốc doanh, thực trạng và những vấn đề đặt ra” do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước chủ trì, đại diện các địa phương khu vực phía Bắc nêu thực trạng hiện nay chưa có hướng dẫn để giải quyết phần diện tích đất đang có tranh chấp tại các lâm trường cũng như việc thanh lý tài sản trên đất rừng sau khi chuyển giao và cơ chế tích tụ đất rừng sản xuất...

Lấn chiếm tràn lan

Kết quả của thực trạng trên là nhiều địa phương không dám nhận phần đất được giao lại, dẫn đến khó thu hút các cá nhân, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào những diện tích đất này.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nắm chính xác con số diện tích các loại đất rừng do từng lâm trường quốc doanh quản lý.

Thực tế cho thấy, nếu những vướng mắc cũ trong sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh không được tháo gỡ, sẽ rất khó tạo được diện mạo mới cho lĩnh vực này.

Như tại Hà Nội, theo báo cáo của Tp.Hà Nội, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội là 28.851 ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 24.301 ha, rừng trồng mới là 227 ha.

Qua kiểm tra, các nông, lâm trường thì thấy, nhiều đơn vị chưa thực hiện thủ tục thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định, chưa rà soát diện tích đất đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng và cả diện tích không quản lý, sử dụng để bàn giao lại địa phương, dẫn đến hàng nghìn héc-ta đất trong thời gian dài không ai quản lý.

Nhiều diện tích đất bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển mục đích thành đất ở. Các hộ được giao khoán đất để sản xuất tự xây dựng nhà ở, chuyển nhượng trái phép. Có tới 6,9 triệu m2 đất bị sử dụng sai mục đích. Tình trạng lấn chiếm, mua bán trái phép diễn ra tràn lan tại hầu khắp các nông, lâm trường...

Hay như theo báo cáo của tỉnh Tây Ninh, việc tỉnh giao đất cho các nông, lâm trường quốc doanh trước đây chủ yếu theo quy hoạch trên bản đồ, chưa được đo đạc làm rõ ranh giới trên thực địa, đồng thời, một số nông, lâm trường do buông lỏng việc quản lý nên đã diễn ra tình trạng bao chiếm đất sản xuất trái phép, dẫn đến tranh chấp kéo dài, làm tình hình quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp.

Các địa phương đề nghị, sau đợt giám sát, cần có tiêu chí xác định rõ hiệu quả hoạt động, diện tích đất giao khoán thuộc quyền quản lý của lâm trường cũng như các căn cứ xác định quy mô của mỗi đơn vị.

Đồng thời, chỉ đạo sát sao việc thay đổi phương thức quản trị... Có như vậy, hiệu quả và chất lượng sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh mới đạt mục tiêu và mong muốn đề ra.

Chủ yếu trên sổ sách

Theo tổng hợp của Đoàn giám sát cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28/NQ/TƯ ngày 16/6/2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ, hiện nay, cả nước có 148 công ty lâm nghiệp và 91 ban quản lý rừng phòng hộ.

Tổng diện tích rừng do các ban quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng là hơn 3 triệu 500 nghìn héc-ta.

Trong quản lý và sử dụng đất đai, 25% nông, lâm trường đã chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; 56% nông, lâm trường với 57% tổng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các nông, lâm trường đã bàn giao gần 532.000 héc-ta đất cho chính quyền địa phương quản lý để giao cho dân và đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng.

Việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các lâm trường mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa.

Nhiều lâm trường sau khi được sắp xếp đã không thực hiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp; không rà soát xác định, cắm mốc và đo đạc ranh giới đất. Nhiều lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp đã không làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo, không được tăng cường. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường ở các địa phương còn chậm, đến nay còn 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tình trạng tranh chấp, vi phạm Luật Đất đai trong các lâm trường vẫn còn phổ biến dưới nhiều hình thức. Việc bàn giao đất cho địa phương quản lý còn chậm, hiệu quả chưa cao. 10 năm qua, các nông, lâm trường đã chuyển giao một phần đất về cho chính quyền địa phương quản lý 883.012 héc-ta, thấp so với yêu cầu...

Tất nhiên, so với tình trạng cách đây 10 năm, cả nước có 39 tỉnh, thành có nông trường bị lấn chiếm đất; 24 tỉnh, thành có tranh chấp đất nông trường; 39 tỉnh, thành có lâm trường bị lấn chiếm đất và 24 tỉnh, thành có tranh chấp đất ở các lâm trường.

Khi quá trình sắp xếp, đổi mới chưa được triển khai, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất của các nông, lâm trường trên toàn quốc diễn ra khá phổ biến, nhiều trường hợp kéo dài và phức tạp. Thì đến nay, tình trạng trên đã giảm đi nhiều nhưng bao giờ mới đi đến hồi kết của cuộc tranh chấp này vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate