June 28, 2021 | 06:00 GMT+7

Trao "ghế lái" cho thế hệ kế nhiệm trong doanh nghiệp gia đình

Ngân Hà -

Chia sẻ với VnEconomy nhân ngày Gia đình Việt Nam, ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam, chìa khóa để cân bằng giữa truyền thống và đổi mới không chỉ đơn giản phụ thuộc vào thế hệ kế nhiệm mà đến từ cả hai thế hệ - sáng lập và kế nhiệm trong suốt quá trình gắn kết và tranh luận liên tục...

Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động vì dịch bệnh Covid-19 như hiện nay?

Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam
Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc phụ trách Khối dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam

Hầu hết các doanh nghiệp gia đình đều phát triển từ những công việc kinh doanh nhỏ do người sáng lập khởi phát và mới chỉ trải qua một thế hệ. Từng bước tích lũy vốn, con người, công nghệ và mạng lưới, thế hệ sáng lập điều hành doanh nghiệp gia đình phát triển không ngừng trong hai thập kỷ qua, tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường.

Đa số doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện vẫn do các thế hệ sáng lập lãnh đạo với cơ cấu tổ chức, hệ thống và nhân sự chủ động được xây dựng theo hệ giá trị và phong cách cá nhân của người lãnh đạo. Do đó, các doanh nghiệp này đều đang phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó vừa củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi, vừa đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng trải qua các giai đoạn khác nhau trong quá trình chuyển đổi từ một doanh nghiệp một thế hệ thành một “đế chế” doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ.

Doanh nghiệp gia đình, theo ông, có ưu thế gì so với những doanh nghiệp tư nhân khác?

Lợi thế đầu tiên có thể xem là quan trọng nhất của doanh nghiệp gia đình là mục đích của doanh nghiệp gia đình không chỉ đơn thuần tạo ra lợi nhuận. Văn hóa, di sản, truyền thông, cộng đồng hay đổi mới thường là những từ khóa khi chia sẻ về động lực của doanh nghiệp gia đình.

Việc tạo dựng thành công những giá trị, niềm tin và mục tiêu chung cho phép doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, vạch ra những mục đích dài hơn, kiên cường và kiên nhẫn để phát triển bền vững trong dài hạn qua nhiều thế hệ, chứ không chỉ kéo dài từ năm tài chính này sang năm tài chính khác. Lợi thế cạnh tranh này có thể thấy qua lăng kính của nhiều doanh nghiệp gia đình trên thế giới. Điển hình là Hoshi Ryokan tại Nhật Bản. Từ một nhà trọ nhỏ phát triển thành một trong những doanh nghiệp gia đình độc lập lâu đời nhất trên thế giới. Hoshi Ryokan tồn tại thành công trong hơn 1.300 năm, qua hơn 50 thế hệ nhờ vào bản sắc không tách rời giữa việc xây dựng một doanh nghiệp và kế thừa cũng như phát huy những di sản.

Một ưu thế riêng biệt khác của doanh nghiệp gia đình chính là sự linh hoạt, có thể ra quyết định nhanh chóng, cho phép nắm bắt những cơ hội kinh doanh tức thì trong thế giới đang thay đổi chóng mặt.

Nhiều doanh nghiệp gia đình Việt đang trong quá trình chuyển giao cho thế hệ kế nhiệm. Theo ông, doanh nghiệp gia đình có thể gặp những khó khăn gì trong quá trình này?

Có ba vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của quá trình chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình.Vấn đề đầu tiên bắt nguồn chính từ động lực của gia đình. Quan điểm và cách tiếp cận của thế hệ sáng lập và thế hệ kế nhiệm chính là thách thức thường gặp cho quá trình chuyển giao. Để chia sẻ những giá trị cốt lõi và niềm tin, tầm nhìn cho hoạt động lâu dài của doanh nghiệp, các thành viên cần liên tục trao đổi một cách thẳng thắn.

Vấn đề thứ hai là cách thức tổ chức doanh nghiệp. Để thế hệ kế nhiệm dễ dàng tiếp quản được “ghế lái” của “chiếc xe doanh nghiệp gia đình”, thì chiếc xe cần được điều chỉnh phù hợp với người lái để quá trình vận hành trở nên hiệu quả và dễ dàng. Nói một cách khác, doanh nghiệp cần tiếp nhận những thay đổi, có những bộ công cụ điều hành, tổ chức, quản lý và công nghệ phù hợp với thế hệ kế nhiệm.

Thị trường là vấn đề thứ ba có yếu tố bên ngoài. Để chuyển giao thành công, doanh nghiệp gia đình cần có định hướng phù hợp với tương lai, thế hệ kế nhiệm phải thích ứng với những thay đổi, biến động của thị trường và giữ vững tâm thế kiên cường ngay cả trong thời kỳ nhiều gián đoạn, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng.

Có ý kiến cho rằng nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam vẫn đang cân nhắc về người kế nhiệm xứng đáng. Theo ông, đâu là rào cản và hạn chế lớn nhất cho người kế nhiệm tiếp quản di sản từ thế hệ cha ông?

Rất khó để tách biệt những câu chuyện trên bàn ăn với các cuộc thảo luận trong phòng họp. Văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, cho thấy thế hệ sáng lập (cha mẹ) thường có xu hướng uốn nắn người kế nhiệm, muốn định hình con cái trở thành bản sao của chính họ, thay vì muốn xem xét người kế nhiệm là đối tác đồng hành dài hạn trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Thế hệ con cái chính là những người kế nhiệm sẽ phải vượt qua không ít khó khăn để có đủ dũng khí, tích lũy đủ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức, giữ vững lập trường và nói chuyện với những thế hệ đi trước một cách bình đẳng.

Theo ông, người kế nhiệm phải làm gì để dung hòa giữa truyền thống gia đình và những thay đổi của thị trường?

Chìa khóa để cân bằng giữa truyền thống và đổi mới không chỉ đơn giản phụ thuộc vào thế hệ kế nhiệm mà đến từ cả hai thế hệ - sáng lập và kế nhiệm trong suốt quá trình gắn kết và tranh luận liên tục để mục đích hoạt động và cách thức tốt nhất để doanh nghiệp gia đình thành công phát triển qua các thế hệ.

Thế hệ sáng lập nên chia sẻ và lắng nghe thế hệ kế nhiệm về lý do tại sao doanh nghiệp gia đình tồn tại và phát triển (WHY) - nguyện vọng của những người đặt nền móng cho doanh nghiệp. Mỗi cuộc trò chuyện nên bắt đầu từ giá trị cốt lõi, mục đích và tầm nhìn dài hạn. Về cả cách thức (HOW) – cách để tìm và sắp xếp những yếu tố quản lý và quản trị phù hợp với mục đích của gia đình, cách để cạnh tranh và giành chiến thắng trong một thế giới công nghệ thay đổi nhanh chóng, toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Thế hệ kế nhiệm cũng nên cởi mở tiếp nhận những giá trị và chia sẻ thẳng thắn quan điểm, góc nhìn của bản thân mà họ đã tích lũy qua thời gian học tập và làm việc. Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, thế hệ sáng lập tạo cơ hội để thế hệ kế nhiệm nắm bắt đưa những đổi mới phù hợp, cùng nhau điều hướng doanh nghiệp phát triển trong thị trường như hiện nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate