November 09, 2021 | 20:51 GMT+7

Trẻ đến trường phải được hỗ trợ thích ứng môi trường học tập mới

Thanh Xuân -

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, sự phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội bao gồm cả hoạt động giáo dục đào tạo. Theo thống kê, tổng số cán bộ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên mắc Covid-19 là 47.497 ca. Với diễn biến phức tạp như vậy, nhiều địa phương trên cả nước phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến và qua truyền hình. 

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hỗ trợ các tỉnh thành về việc ra quyết định liên quan đến hoạt động dạy học ở địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; sổ tay phòng chống Covid-19 trong trường học… Trong đó, công văn 4726/BGDĐT-GDTC với sự thống nhất ý kiến của Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể việc tổ chức dạy học trực tiếp-trực tuyến, tương ứng với các cấp độ dịch.

Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương đang triển khai theo một cách. Việc tổ chức tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi; thực hiện nguyên tắc "5K", đặc biệt là đeo khẩu trang ở trường; các quyết định ứng xử khi có F0 trong trường… cũng mỗi nơi một khác.

Hiện nay, qua báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 28 tỉnh/thành  cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11 nhưng với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.

Việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục. Tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp, trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%. 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Quyết định 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý học sinh.

Cũng nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay, có trên 96% cán bộ, giáo viên được tiêm 1 mũi. Về an toàn đi học lại, thành phố đã ban hành bộ tiêu chí  để các trường căn cứ vào đó và thực hiện. Các trường cũng chuẩn bị các phương án theo nghị quyết 128 của Chính phủ. Ngoài ra, ông Dũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về việc xử trí các học sinh là F0, F1, F2 thật chi tiết để các trường áp dụng linh hoạt. 

Trong khi đó, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ngành giáo dục và y tế ở các địa phương cần phối hợp rà soát và yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay. Kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng chống dịch ở từng trường, hiệu trưởng phải là trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo cấp huyện phải phê duyệt kế hoạch của từng trường. Nếu nơi nào làm sai phải chịu trách nhiệm. Từng trường phải có kịch bản xử lý nếu có học sinh là F0.

Về việc yêu cầu học sinh tiểu học đeo khẩu trang hay không, ông Tuyên chỉ rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 1583 ngày 7/5/2020. Trong đó quy định không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà. Đặc biệt, không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate