Đây là kết quả một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại bang Texas (Mỹ) thực hiện và được công bố trên tạp chí Pediatrics ngày 19/3.
Nghiên cứu Texas CARES do các chuyên gia thuộc Đại học UTHealth Houston thực hiện từ tháng 10/2020, thu thập và đánh giá dữ liệu của 218 trẻ em ở bang Texas trong độ tuổi từ 5 đến 19 tham gia khảo sát. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá mức độ kháng thể sau một thời gian ở người trưởng thành và trẻ em tại bang này. Đến nay, 14 triệu trẻ ở Mỹ đã mắc Covid-19.
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cung cấp 3 mẫu máu vào các thời điểm: trước tiêm chủng và trong giai đoạn các biến thể Delta và Omicron lây lan.
Giáo sư dịch tễ học Sarah Messiah, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên trong khuôn khổ Texas CARES sử dụng toàn bộ số liệu của cả 3 giai đoạn trên.
Kết quả cho thấy, dù 96% trẻ có kháng thể lên tới 7 tháng sau khi mắc Covid-19, có 58% mẫu không có kháng thể tự nhiên ở các lần kiểm tra cuối cùng. Kết quả không tính đến hiệu quả bảo vệ của vaccine.
Theo Giáo sư Messiah, nghiên cứu này chỉ là 1 bước để hiểu ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 ở trẻ em.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy, dù trẻ vẫn có một lượng kháng thể nhất định trong ít nhất 6 tháng sau khi mắc Covid-19, chúng ta vẫn chưa biết chính xác ngưỡng bảo vệ tuyệt đối. Hiện có công cụ tuyệt vời để trẻ có thêm lớp bảo vệ, đó là tiêm vaccine. Vì thế nếu con bạn đủ điều kiện tiêm chủng, hãy tận dụng cơ hội đó”, Giáo sư Messiah nhấn mạnh.
Bộ Y tế đã công bố kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành trên 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố. Qua khảo sát, có 60,6% đồng ý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; 1,9% phụ huynh không đồng ý.
Nghiên cứu TEXAS CARES, hiện vẫn tiếp tục, do Cơ quan Y tế bang Texas và Hệ thống Đại học Texas đồng tài trợ.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Đạt, Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, các bé dù đã mắc Covid-19 hay chưa mắc cũng nên tiêm vaccine phòng Covid-19. Bởi phần lớn những đứa trẻ bị nhiễm bệnh chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ ở mũi họng, thậm chí có trẻ còn không có triệu chứng do cơ thể trẻ em đã có một dạng miễn dịch đặc hiệu để chống lại virus SARS-CoV-2. Điều này cũng tương tự những bệnh lý nhiễm virus khác như cúm mùa. Sau khi mắc bệnh, trẻ em thường có khả năng miễn dịch niêm mạc khá cao.
Do đó, tiêm vaccine phòng Covid-19 không những có thể giúp trẻ em sản sinh ra được nhiều kháng thể toàn thân mà còn tăng cường khả năng miễn dịch đồng bộ cho cơ thể. Sự miễn dịch niêm mạc thêm phần miễn dịch do tiêm chủng có thể mang lại hiệu quả tốt hơn, mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, tiêm vaccine giúp trẻ bổ sung khả năng chống lại nguy cơ tái nhiễm. Đó là do kháng thể tự nhiên khi khỏi bệnh sẽ giảm theo thời gian, nên rất cần tiêm phòng cho bé để tránh bị nhiễm bệnh trở lại khi tiếp xúc với nguồn lây nào đó.
Về vấn đề thời gian tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh, PGS.TS Nguyễn Tiến Đạt thông tin, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly y tế có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 sau 2 tuần.
Tuy nhiên, theo PGS Điển, đối với các bé, thông thường sau khỏi bệnh khoảng 3-6 tháng, việc tiêm vaccine Covid-19 là phù hợp nhất để tạo miễn dịch tốt hơn.
Tại Việt Nam trẻ từ 5-11 tuổi đang được Bộ Y tế tích cực chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc tiêm chủng cho các đối tượng trẻ em độ tuổi từ 5-11 tuổi sẽ được triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu....
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1728/VPCP-KGVX ngày 19/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc mua và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo đó, trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chủ động, quyết liệt thực hiện việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1674/VPCP-KGVX ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.