September 12, 2024 | 14:21 GMT+7

Trên 20 nghìn tỷ dư nợ ngân hàng tại Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng do bão và lũ

Kỳ Phong -

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng, đến hết ngày 10/9 các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã ghi nhận 11.701 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ ước 23.305 tỷ đồng bị tổn thất nặng nề do bão số 3 và lũ lụt...

Nhiều hộ nuôi cá lồng ở Quảng Ninh, Hải Phòng mất trắng tài sản.
Nhiều hộ nuôi cá lồng ở Quảng Ninh, Hải Phòng mất trắng tài sản.

Ngày 11/9, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đi thị sát và làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, chi nhánh Hải Phòng và lãnh đạo các ngân hàng thương mại 2 địa phương trên để nắm bắt  tình hình thiệt hại bước đầu của ngân hàng cũng như khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết sau cơn bão số 3, trụ sở làm việc (chi nhánh, các phòng giao dịch) và các cơ sở vật chất khác (trụ máy ATM, máy móc thiết bị, biển hiệu, mái tôn, cây xanh…) của hầu hết các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng và hư hỏng, trong đó một số đơn vị bị thiệt hại khá nặng.

“Qua thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất của các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính khoảng 26,8 tỷ đồng và phải mất nhiều ngày để khắc phục được hoàn toàn", ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiền, số liệu ban đầu của tỉnh Quảng Ninh cho thấy đến nay có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tầu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 17.000 m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912 ha lúa bị đổ, ngập úng; 8.503 ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị hư hỏng; hệ thống điện bị mất trên diện rộng; thông tin liên lạc bị ngắt, không liên lạc được, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Trong đó có nhiều đơn vị là khách hàng đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Riêng về thiệt hại của các ngân hàng ở Quảng Ninh, tính đến hết ngày 10/9/2024 có tổng số 10.811 khách hàng, với tổng dư nợ 7.437 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng dư nợ toàn địa bàn) bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3. Cá biệt, có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản). Trong đó, các khách hàng bị thiệt hại theo ngành, lĩnh vực như: nông, lâm, ngư nghiệp: 6.262 khách hàng, với dư nợ 1.403 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: 416 khách hàng, dư nợ 3.497 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ - du lịch: 4.133 khách hàng, dư nợ 2.537 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, đến thời điểm 10/9/2024, có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. 

 

"Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp của VietinBank bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng".

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các ngân hàng thương mại cần nhanh chóng đưa ra các chính sách hợp lý, tích cực để hỗ trợ khách hàng sau bão.

“Trước mắt là khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn, còn những khoản nợ sắp tới hạn sẽ có cách xử lý tích cực hơn cho khách hàng vay vốn. Đặc biệt những ngày trong bão và ngay sau khi bão, cũng cần cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí để mua sắm những đồ dung trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống. rất nhiều người dân bị thiệt hại ngay cả những tài sản đang sử dụng hàng ngày”, ông Tú nói.

Trước đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cùng lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã tới  thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, để ghi nhận và lắng nghe phản ánh của người dân nuôi cá bè có vay vốn ngân hàng tại đây.

Ông Tú cho biết qua khảo sát thực tế, rất nhiều khách hàng, nhiều doanh nghiệp thiệt hại mà không có khả năng trả nợ được và gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt. Vì vậy đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các ngành, đặc biệt với ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại là phải có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài góp phần ổn định cuộc sống trong những ngày mưa bão này, cũng như khắc phục hậu quả trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate