Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM vừa có Tờ trình số 4713/TTr-SQHKT trình UBND TP.HCM phê duyệt đề bài thi tuyển quốc tế quy hoạch, kiến trúc của bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.
THI TUYỂN QUY HOẠCH QUỐC TẾ
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, việc tổ chức thi tuyển quy hoạch quốc tế nhằm tìm kiếm ý tưởng độc đáo, phương án quy hoạch phát triển tối ưu và khả thi nhất.
Hình thức thi tuyển gồm 02 vòng. Trong đó, vòng 1, hội đồng sơ tuyển sẽ lựa chọn 5 đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp để mời tham dự vòng 2; Tại vòng thi tuyển - vòng 2, các đơn vị sẽ được mời tham gia hội nghị khởi động, được cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về yêu cầu thiết kế quy hoạch và thực hiện trong thời gian từ 4 - 6 tuần. Sau đó, nộp sản phẩm dự thi theo đúng thời gian yêu cầu của Ban Tổ chức.
Hội đồng thi tuyển sẽ thực hiện chấm giải và công bố các phương án dự thi trúng giải theo quy định. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét lựa chọn các nội dung quan trọng để đưa vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 30/4/2025 hoàn thành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án này. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, thành phố sẽ xem xét, chọn lựa các nội dung quan trọng để đưa vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và các khu vực kế cận như khu đô thị Trường Thọ (TP. Thủ Đức), các khu vực dọc sông Sài Gòn.
NƠI DUY NHẤT QUỸ ĐẤT TRỐNG
Về yêu cầu của phương án thi tuyển, theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc là: quy hoạch xây dựng bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại, đóng vai trò là động lực phát triển mới của khu vực trung tâm thành phố, có tính lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế đô thị theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Trong đó, yêu cầu giải pháp quy hoạch sử dụng đất có nhiều nội dung đáng chú ý. Cụ thể, như đề xuất các dịch vụ, các hoạt động văn hóa, đặc biệt lưu ý các hoạt động về đêm, nhằm tạo ra một đô thị hoạt động 24/7; quy hoạch khu vực tái định cư cho cư dân hiện hữu, bảo đảm hài hòa không gian cảnh quan toàn khu vực…
Về giải pháp tổ chức không gian cảnh quan, phải đề xuất được các công trình, kiến trúc tạo điểm nhấn mang tính biểu tượng cho khu quy hoạch; có giải pháp quy hoạch không gian ngầm bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của khu vực. Giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao thông công cộng (metro, xe buýt...), đường giao thông dành cho xe đạp, đi bộ thuận tiện và an toàn cũng là một trong những điều kiện cần có.
Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, đoạn sông Sài Gòn, một số khu vực đối diện bờ sông, đặc biệt là khu đô thị Trường Thọ và quận Bình Thạnh... với diện tích gần 2.000 ha. Phạm vi quy hoạch là bán đảo Bình Quới - Thanh Đa diện tích khoảng 426 ha.
Được biết, ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thành khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí từ năm 1992 với diện tích 427 ha. Đến năm 2000, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa là khu du lịch – văn hóa - giải trí được phê duyệt. Dự kiến, khu vực này sẽ phát triển thành khu phức hợp bao gồm nhà thấp tầng và một số nhà cao tầng, chủ yếu phát triển về thương mại, dịch vụ để thu hút khách quốc tế. Đến năm 2012, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận Bình Thạnh, trong đó, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, hiện đại.
Tuy nhiên, trong 30 năm qua, TP.HCM đã nhiều lần thay đổi chủ đầu tư dự án. Nguyên nhân do quy mô quá lớn, tổng vốn đầu tư cao tới 30.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng phức tạp nên qua nhiều lần thay đổi nhà đầu tư, đến nay, dự án chưa được thực hiện.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, hiện bán đảo này là nơi duy nhất còn nhiều quỹ đất trống có khả năng đầu tư, phát triển khu đô thị trong bán kính 10 km, so với khu trung tâm hiện hữu. Việc chậm trễ triển khai dự án gây ảnh hưởng tới cuộc sống và quyền lợi chính đáng của hàng nghìn hộ dân sinh sống tại bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, ảnh hưởng tới công tác quản lý tại khu vực này.