July 08, 2021 | 06:00 GMT+7

Triển khai chính quyền đô thị: TP.HCM tiết kiệm 1.200 tỷ đồng

Mộc Minh -

Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường tại TP.HCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng…

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Kể từ 01/7/2021, TP.HCM chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội khoá 14 (Nghị quyết 131), và Nghị định 33/2021 của Chính phủ về thi hành Nghị quyết 131 (Nghị định 33), sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

TINH GIẢN BỘ MÁY, TIẾT KIỆM 1.200 TỶ ĐỒNG

Thời gian qua, TP.HCM đã từng bước chuẩn bị kỹ càng và bắt tay triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị khi các quy định kể trên có hiệu lực.

Việc tinh giản bộ máy công quyền khi không thực hiện tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường trên địa bàn TP.HCM sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách.

 

TP.HCM dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, việc không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu Hội đồng nhân dân quận và 6.159 đại biểu Hội đồng nhân dân phường, tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân quận, phường.

Thực hiện chính quyền đô thị, TP.HCM không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Chính quyền địa phương ở phường, quận chỉ còn Uỷ ban nhân dân. Các Văn phòng Hội đồng nhân dân -  Uỷ ban nhân dân quận, phường đổi tên thành Văn phòng Uỷ ban nhân dân kể từ 01/7/2021.

Các nhân sự dôi dư khi không còn tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường đều đã được bố trí công tác khác phù hợp chuyên môn và nguyện vọng. Theo đúng kế hoạch, việc này đã hoàn thành trước ngày 01/7/2021.

Ngoài ra, một trong số những nội dung chính và mới rất quan trọng liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, là thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa Uỷ ban nhân dân quận, phường với Uỷ ban nhân dân TP.HCM.

 

Nhân sự đứng đầu cấp quận sẽ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM bổ nhiệm

Ngày 30/6, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Uỷ ban nhân dân 16 quận trên địa bàn TP.HCM, gồm 14 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận và 47 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Công chức của Uỷ ban nhân dân phường thuộc biên chế công chức của Uỷ ban nhân dân quận, thành phố thuộc TP.HCM, do quận, thành phố quản lý, sử dụng. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, phường theo mô hình này không còn là cán bộ do Hội đồng nhân dân bầu nữa mà được chuyển sang công chức.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM quyết định, thay vì Hội đồng nhân dân quận bầu và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.

CHỦ TỊCH QUẬN, PHƯỜNG PHẢI ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ VỚI DÂN

Theo Nghị quyết 131 và Nghị định 33, để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ…

Để bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của Uỷ ban nhân dân quận, phường, các kết luận, quyết định của Uỷ ban nhân dân quận, phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của quận, phường.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư và tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp trên. Việc này thể hiện tính công khai minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu.

Trước đó, TP.HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường trong giai đoạn 2009 – 2016. Theo đó, việc tiếp nhận giải quyết các ý kiến của người dân sẽ do cán bộ của Uỷ ban nhân dân phường giải quyết, thay vì trước kia việc tiếp công dân duy trì ở cả 02 đơn vị là Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

Khi không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường, vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể được phát huy tối đa thông qua các kỳ họp và các hoạt động giám sát. Tiếng nói của người dân được chuyển đến Đảng uỷ, chính quyền phường.

Ngoài ra, vai trò giám sát của các tổ chức hành pháp, tư pháp sẽ tập trung vào Hội đồng nhân dân cấp thành phố với việc phân công các tổ đại biểu nhân dân ở các địa bàn…

 
Mỗi Ban thuộc Hội đồng nhân dân TP.HCM có 01 Ủy viên hoạt động chuyên trách, do Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM xem xét, phê chuẩn theo đề nghị của Trưởng ban của Hội đồng nhân dân.
Các Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban thuộc Hội đồng nhân dân TP.HCM gồm: Ủy viên chuyên trách Ban Pháp chế; Ủy viên chuyên trách Ban Kinh tế - ngân sách; Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - xã hội; Ủy viên chuyên trách Ban đô thị...
Theo Nghị định 33 

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate