April 14, 2025 | 15:33 GMT+7

Triển khai sandbox để thử nghiệm và phát triển các mô hình AI tại Việt Nam

Bảo Bình -

Nếu được triển khai đúng cách, sandbox AI có thể trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo....

Cơ chế sandbox sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu thử nghiệm các mô hình AI mới. Ảnh minh họa
Cơ chế sandbox sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu thử nghiệm các mô hình AI mới. Ảnh minh họa

Sandbox AI đang được các chuyên gia xem là một trong những cách làm nhằm xây dựng môi trường thử nghiệm AI, tạo điều kiện cho các khu vực công và doanh nghiệp tư nhân thử nghiệm công nghệ một cách an toàn và hiệu quả. 

Theo ông Arihant Chidalia, chuyên gia chương trình sẵn sàng số của Intel, Sandbox AI là một môi trường được thiết kế để các nhà phát triển, startup và cơ quan chính phủ thử nghiệm các ứng dụng AI. Ý tưởng này được cho là đặc biệt phù hợp trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh chóng nhưng còn thiếu quy định rõ ràng và tồn tại nguy cơ lạm dụng công nghệ.

KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI SANDBOX AI CỦA SINGAPORE

Chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế, ông Arihant Chidalia đã đề cập đến chương trình Launchpad của Singapore. Cụ thể, LaunchPad là một nền tảng đổi mới và thử nghiệm trí tuệ nhân tạo do Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) phát triển, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng AI trong khu vực công.

Ra mắt vào tháng 4/2023, LaunchPad được thiết kế như một "sandbox" – một môi trường an toàn cho phép các cơ quan chính phủ và công chức thử nghiệm các ý tưởng AI mà không lo ngại về rủi ro bảo mật hoặc thất bại. Nền tảng này tận dụng các dịch vụ như Microsoft Azure OpenAI để cung cấp khả năng khám phá, thử nghiệm và học hỏi về AI, đặc biệt là AI tạo sinh (generative AI). Chương trình không chỉ khuyến khích đổi mới mà còn giúp các cơ quan, đơn vị khu vực công vượt qua nỗi lo về rủi ro khi ứng dụng công nghệ mới.

Chẳng hạn, Launchpad đã hỗ trợ các cơ quan tại Singapore phát triển các giải pháp như chatbot dịch vụ công, công cụ phân tích dữ liệu để dự đoán nhu cầu công dân, hệ thống tự động hóa quy trình hành chính. Bằng cách cung cấp một không gian an toàn, GovTech giúp các cơ quan thử nghiệm, rút ngắn thời gian từ ý tưởng đến triển khai thực tế. Kết quả là Singapore đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng AI trong khu vực công, với các dịch vụ công hiệu quả và thân thiện hơn với người dân.

Tuy nhiên, theo ông Arihant Chidalia, học hỏi từ Launchpad, song việc triển khai sandbox AI tại Việt Nam có thể mang một số đặc điểm riêng, phù hợp với bối cảnh. Chẳng hạn, trong khi Singapore tập trung vào các giải pháp công nghệ cao với nguồn lực dồi dào, Việt Nam có thể ưu tiên các ứng dụng AI tiết kiệm năng lượng và dễ tiếp cận, nhằm phục vụ cả các nhóm yếu thế như người khuyết tật, dân tộc thiểu số hay chủ doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, tận dụng các tiến bộ công nghệ như mô hình AI hiệu quả về tài nguyên, sandbox AI giúp Việt Nam thử nghiệm công nghệ mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như trung tâm dữ liệu hay GPU.

BỐN LỢI ÍCH CHÍNH KHI TRIỂN KHAI SANDBOX AI TẠI VIỆT NAM

Theo chuyên gia Intel, việc triển khai sandbox AI tại Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khu vực công. Thứ nhất, Sandbox AI mang đến tiềm năng to lớn để tái định hình khu vực công tại Việt Nam, mở ra cơ hội cải thiện dịch vụ, tăng cường minh bạch và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Sandbox AI sẽ cho phép các cơ quan thử nghiệm các giải pháp như chatbot thông minh, hệ thống tự động hóa biểu mẫu, hay công cụ phân tích dữ liệu để dự đoán nhu cầu công dân. Điều này giúp giảm quan liêu, loại bỏ các rào cản như biểu mẫu phức tạp, từ đó mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dân, đặc biệt là những người có trình độ học vấn hạn chế. Bên cạnh đó, các công cụ phân tích dữ liệu được thử nghiệm trong sandbox có thể dự đoán nhu cầu công dân, từ đó tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả.

Thứ hai, sandbox AI đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường minh bạch và chống gian lận. Bằng cách thử nghiệm các công cụ xác thực tài liệu hoặc phát hiện bất thường, sandbox giúp giải quyết các vấn đề nhức nhối như giả mạo danh tính, tài liệu hay quyền sở hữu đất đai. Những giải pháp này không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn củng cố sự công bằng trong các giao dịch công, tạo niềm tin cho người dân.

Thứ ba, sandbox AI là cầu nối để thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân. Thông qua sandbox, các startup và doanh nghiệp có thể thử nghiệm các giải pháp sáng tạo như ứng dụng tài chính hỗ trợ nông dân, giúp phê duyệt khoản vay chỉ trong vài phút, hay công cụ bảo hiểm tham số dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh để hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Những sáng kiến này không chỉ tạo ra giá trị mới mà còn góp phần giải quyết các thách thức xã hội cụ thể.

Thứ tư, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với áp lực về năng lượng, sandbox AI mang lại lợi thế bằng cách cho phép thử nghiệm các mô hình AI hiệu quả, giảm yêu cầu phần cứng và tiêu thụ điện năng. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng sạch của đất nước, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân cỡ nhỏ hay năng lượng tái tạo. 

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ NGHIÊN CỨU THỬ NGHIỆM CÁC MÔ HÌNH AI MỚI

Theo Tiến sỹ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, cơ chế sandbox AI sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu thử nghiệm các mô hình AI mới mà không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý quá khắt khe.

“Đây là mô hình đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, đặc biệt là Trung Quốc và Singapore, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI”, Tiến sỹ Trần Quý cho biết.

Một chính sách sandbox AI hiệu quả cần tập trung vào ba khía cạnh: cho phép thử nghiệm AI trong các lĩnh vực tiềm năng như hành chính công, tài chính, y tế và giao thông, đảm bảo tuân thủ đạo đức và bảo vệ dữ liệu; cung cấp hạ tầng điện toán GPU Cloud và dữ liệu mở để hỗ trợ startup AI giảm chi phí phát triển; thiết lập khung pháp lý rõ ràng, cấp chứng nhận sandbox để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn và giải quyết vấn đề trách nhiệm pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ. Nếu triển khai đúng, sandbox AI sẽ là động lực giúp Việt Nam vươn lên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

“Nếu được triển khai đúng cách, sandbox AI có thể trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam nhận định.

Mặc dù sandbox AI mang lại nhiều hứa hẹn, việc triển khai thành công đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong những bài học từ GovTech Singapore là cần xây dựng các tiêu chuẩn dữ liệu rõ ràng để đảm bảo dữ liệu dùng trong sandbox đáng tin cậy và không bị sai lệch. Ngoài ra, công chức cần được đầu tư đào tạo kỹ năng AI, từ kỹ năng nhập lệnh cơ bản (prompt engineering) đến ứng dụng thực tế trong công việc hàng ngày, để họ có thể tận dụng tối đa tiềm năng của sandbox.

Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân là chìa khóa để sandbox AI trở thành cầu nối đổi mới. Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện hoặc thử thách sáng tạo, tương tự Ideathon của Launchpad, nhằm khuyến khích công chức và startup đóng góp ý tưởng.

Trong chương trình Launchpad của Singapore, Ideathon cho phép tổ chức các sự kiện sáng tạo riêng tư hoặc tham gia vào các thử thách chung, kết nối công chức với đồng nghiệp để giải quyết các vấn đề cụ thể bằng cách tận dụng các giải pháp số, đặc biệt là AI. Được biết, Ideathon đã giúp kích hoạt hơn 400 ý tưởng và 20 prototype kể từ khi Launchpad ra mắt vào tháng 4/2023, góp phần xây dựng một văn hóa đổi mới trong khu vực công Singapore.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate