September 13, 2008 | 06:51 GMT+7

Triển vọng công nghiệp điện tử Việt Nam

Xuân Thái

Ngành công nghiệp sản xuất điện tử tiêu dùng tại Việt Nam được cơ cấu lại từ những năm của thập niên 1990

Sản phẩm hàng điện tử tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá cao (80%) trong cơ cấu sản phẩm ngành điện tử tại Việt Nam.
Sản phẩm hàng điện tử tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá cao (80%) trong cơ cấu sản phẩm ngành điện tử tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp sản xuất điện tử tiêu dùng tại Việt Nam được cơ cấu lại từ những năm của thập niên 1990.

Theo thống kê, hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất điện tử, trong đó chiếm 1/4 là các doanh nghiệp FDI và chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Những sản phẩm chính

Sản phẩm hàng điện tử tiêu dùng chiếm tỷ lệ khá cao (80%) trong cơ cấu sản phẩm ngành điện tử tại Việt Nam; trong khi công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ lại phát triển chậm nên tỷ lệ nội địa hóa cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI như Sony, Panasonic, Toshiba, Samsung, JVC, ... cùng một số doanh nghiệp Việt Nam như VTB (Viettronics Tân Bình) Belco (Viettronics Biên Hòa), Tiến Đạt... chủ yếu lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng và điện lạnh phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa.

Đa phần còn lại là các doanh nghiệp tư nhân với hoạt động chủ yếu là dịch vụ bảo hành, sửa chữa.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử tiêu dùng tại Việt Nam là lắp ráp, công nghệ còn lạc hậu rất nhiều so với khu vực và trên thế giới. Công nghệ của các doanh nghiệp FDI cũng chỉ dừng ở mức khá của khu vực. Tuy vậy, ngành công nghiệp hàng điện tử tiêu dùng Việt Nam thời gian qua về cơ bản thỏa mãn nhu cầu thị trường nội địa. Doanh số năm 2007 đạt gần 3 tỷ USD.

Một trong những cố gắng và nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam là từ chỗ lắp ráp gia công, đã từng bước nghiên cứu, thiết kế và đưa vào chế tạo được nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, như Belco, Hanel, Hòa Phát, Tiến Đạt... tiến tới sản xuất ra các linh kiện xuất khẩu.Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 20-30%.

Về xuất khẩu, tăng 20 lần trong 10 năm. Lấy ví dụ: năm 1996 đạt 94 triệu USD, năm 2006 đạt 1,77 tỷ USD, năm 2007 đạt 2,2 tỷ và dự kiến đến hết năm 2008 con số đó sẽ là 3 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường điện tử thế giới sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian sắp tới, với mức tăng trưởng bình quân 8 - 10%/năm, trong đó sản phẩm chuyên dùng tăng trưởng mạnh hơn (9-10%) trong khi sản phẩm điện tử tiêu dùng chậm hơn, chỉ khoảng 5%.

Các sản phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, bao gồm các thiết bị kỹ thuật số 15 - 18%, thiết bị viễn thông đặc biệt là điện thoại di động sẽ tăng trưởng rất mạnh, từ 12 đến 15%, máy vi tính nhất là máy tính xách tay sẽ có mức tăng trưởng cao, 10 - 12%.

Nên tham gia vào dây chuyền toàn cầu

Một trong những đặc điểm cơ bản của ngành công nghiệp điện tử thế giới là tính chuyên môn hóa và toàn cầu hóa: thay đổi cơ cấu sản xuất và phương thức sản xuất. Theo đó, các công ty, tập đoàn lớn đã không còn “bao sân” từ A đến Z quá trình sản xuất mà chỉ tập trung vào một số khâu có giá trị gia tăng cao (R&D, tiếp thị, bán hàng,...), còn lại họ thuê các công ty khác dưới hình thức đấu thầu.

Quá trình sản xuất cũng được phân chia thành nhiều công đoạn, bố trí mỗi công đoạn ở nhiều quốc gia khác nhau theo yêu cầu và điều kiện cụ thể, tạo ra một mạng lưới sản xuất sản phẩm điện tử mang tính toàn cầu.

Mạng lưới này cung ứng các dịch vụ sản xuất, linh kiện, phụ tùng, xây dựng và vận hành các dây chuyền lắp ráp, vận chuyển, phân phối sản phẩm như một chuỗi khép kín. Các công ty, tập đoàn lớn sử dụng mạng lưới này để giảm chi phí sản xuất và vận chuyển.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Á là khu vực có ngành công nghiệp điện tử phát triển rất mạnh trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,...), nên cũng không nằm ngoài sự phát triển chung đó.

TS. Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), đã khuyến nghị: “Các doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia vào dây chuyền giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử thế giới trên cơ sở xác định rõ những công đoạn nào hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng nào mà mình có khả năng làm tốt, để có vị trí trong ngành công nghiệp điện tử khu vực và thu được nhiều lợi nhuận hơn”.

Theo TS.  Hùng, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư phát triển theo chiều sâu thay vì trải dài theo chiều rộng như hiện nay, đặc biệt cần chủ động tìm kiếm đối tác ở các nước có nền công nghiệp điện tử phát triển để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, đầu tư, chuyển giao công nghệ... Song song, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Để làm được như vậy, “Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất khu vực. Cần chú trọng phát triển sản xuất phụ tùng linh kiện và công nghiệp phụ trợ”, TS. Hùng nhấn mạnh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate