May 22, 2025 | 13:27 GMT+7

Triển vọng ngành cảng biển sẽ ra sao trong thời gian chờ đợi thông tin về thuế quan của Mỹ?

Thu Minh -

Kỳ vọng ngành sẽ hoạt động tốt trong quý 2/2025 khi các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa để giảm thiểu rủi ro thuế quan...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thuế quan của Hoa Kỳ đã làm lu mờ tiềm năng tăng trưởng của ngành Cảng biển Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn đó những yếu tố tích cực. Nhận định triển vọng ngành cảng biển, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng ngành sẽ hoạt động tốt trong Q2/2025 khi các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa để giảm thiểu rủi ro thuế quan.

Hoạt động xuất nhập khẩu duy trì ổn định, kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong 4 tháng năm 2025, đạt 276,7 tỷ USD tăng 15,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất và nhập khẩu đạt lần lượt 136,5 tỷ USD (+18,6%) và 140,3 tỷ USD (+13%).

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng, bao gồm: Điện tử (+36,2%); Điện thoại (-1,9%); Máy móc thiết bị (+16,1%); Dệt may (+12,8%). Hầu hết các thị trường chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, Hoa Kỳ (+25,1%), Nhật Bản (+12%) và Hàn Quốc (+9,8%) đều tăng tốc trong khi thị trường Trung Quốc (+2,3%) ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại. 

Mặc dù các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại đã ghi nhận một số cải thiện, nhưng cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả thực sự nào. Ngoại trừ những cuộc đàm phán với Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, với mức thuế cơ bản 10% vẫn duy trì cộng với một vài hạn ngạch nhập khẩu bổ sung.

Gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý cắt giảm thuế quan 115% trong 90 ngày, thoạt nhìn có vẻ tích cực. Tuy nhiên, động thái này có thể chỉ là "thời gian nghỉ giải lao", trừ khi đạt được một số thỏa thuận thực sự.

Thuế quan của Hoa Kỳ đã tác động đến niềm tin của người tiêu dùng vốn đã thấp, khi chỉ số niềm tin tiêu dùng Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, ở mức khoảng 52,2 điểm vào tháng 4. Điều này, cùng với mức tiết kiệm hộ gia đình liên tục thấp và tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng, cho thấy nhu cầu ở Hoa Kỳ đang suy yếu phần nào. Ngoài ra, niềm tin của người tiêu dùng tại các thị trường quan trọng khác đã giảm ngay sau khi công bố mức thuế quan.

Mirae Asset kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tận dụng thời gian tạm dừng thuế quan để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp đàm phán thất bại. Điều này giúp các công ty cảng biển của Việt Nam hoạt động tốt ít nhất là trong Q2/2025.

Tuy nhiên, về lâu dài, kết quả đàm phán là dữ liệu chính để đánh giá triển vọng của ngành. Ngoài niềm tin của người tiêu dùng thấp, kỳ vọng về tăng trưởng GDP thực tế của các thị trường chính đều thấp hơn so với số liệu đầu năm 2025. Gần đây, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2025 xuống còn 1,8% (trước đó là 2,7%). IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của các khu vực khác: Toàn cầu (2,8%, trước đó là 3,3%), EU (0,8%, trước đó là 1,0%), Nhật Bản (0,6%, trước đó là 1,1%).

Trừ khi có một số đột phá trong đàm phán thuế quan, triển vọng kinh tế thấp và niềm tin sẽ gây áp lực lên nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.

Thuế quan của Hoa Kỳ đã làm tổn hại đến niềm tin kinh doanh, vốn sẽ không phục hồi nhanh chóng trong ngắn hạn. Rủi ro thuế quan phát sinh dẫn đến việc các doanh nghiệp dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ mà không phụ thuộc vào một hoặc hai quốc gia.

Hơn nữa, với tư cách là đối thủ lớn của Hoa Kỳ, Trung Quốc cuối cùng sẽ mất vị thế "công xưởng thế giới" của mình và làn sóng di cư khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc. Các nước Đông Nam Á và Nam Á có thể là điểm đến tiềm năng cho sự dịch chuyển sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành thâm dụng lao động. Việt Nam, với sự ổn định chính trị và cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Hơn nữa, nhiều địa điểm sản xuất hơn sẽ dẫn đến nhu cầu vận chuyển nhiều hơn, điều này sẽ hỗ trợ các công ty vận tải biển.

Mirae Asset tin rằng công cụ hiệu quả nhất để Việt Nam cân bằng thương mại là tăng mua các sản phẩm của Hoa Kỳ và kỳ vọng mức thuế quan tối đa sẽ cao hơn so với 10%, có thể có một số miễn trừ. Cũng sẽ có một số yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để chế ngự các hoạt động lẩn tránh thuế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate