Tổng cục Thuế cho biết, Cục Thuế Thanh Hóa đã có báo cáo về vụ việc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 đối tượng liên quan tới đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn gần 100 tỷ đồng.
Cụ thể, các đối tượng liên quan đến việc mua bán hóa đơn gồm bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh, bà Lê Thị Hồng Linh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Hùng Trang và bà Đinh Thị Nga, kế toán Công ty Phương Anh, có cùng địa đăng ký kinh doanh tại phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa.
Cục Thuế Thanh Hóa sẽ tích cực cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để xác minh, điều tra xử lý nghiêm đối với người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận trốn thuế, lừa đảo, lập hồ sơ khống, để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng; in hóa đơn, đặt in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử giả, mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp...
Theo đó, năm 2020, thông qua công tác quản lý thuế và kiểm tra hồ sơ khai thuế, ngành thuế đã phát hiện Công ty cổ phần dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh có dấu hiệu vi phạm về thuế và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa - Đông Sơn đã thu thập, củng cố hồ sơ chứng minh các dấu hiệu vi phạm chuyển sang Cơ quan Công an Thành phố Thanh Hóa đề nghị điều tra, xử lý.
Đồng thời, Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Hùng Trang do bà Lê Thị Hồng Linh làm Giám đốc cũng bị khởi tố, do có quan hệ liên kết với Công ty cổ phần dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh. Hai công ty trên đều do hai mẹ con bà Nguyễn Thị Phương và con gái Lê Thị Hồng Linh điều hành.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hai công ty trên có hành vi mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng với giá dao động từ 5% đến 8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn để kiếm lời bất chính.
Đáng nói, doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng không có giá trị sử dụng. Nhiều số hóa đơn bán hàng doanh thu lớn ghi nội dung bán hàng theo bảng kê nhưng không có bảng kê lưu kèm theo, có dấu hiệu hạch toán mặt hàng ghi trên hóa đơn giữa liên 1, liên 2 khác nhau. Đơn cử, doanh thu vận tải, san lấp lớn, nhưng không cung cấp hợp đồng, bảng kê giao, nhận chứng minh nguồn gốc vật tư, hàng hóa, chứng từ thanh toán…; không có hồ sơ, chứng từ, sổ sách để chứng minh năng lực vận tải, san lấp.
Hiện nay, Cục Thuế Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn vi phạm của 2 doanh nghiệp này để xử lý nghiêm theo quy định, tránh thất thoát tiền thuế cho ngân sách.
Đây không phải là lần đầu tiên Công an TP. Thanh Hóa phanh phui các đường dây mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Tháng 6 vừa qua, đơn vị này cũng triệt phá một đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có 14 công ty “ma” trong đường dây đã phát hành hơn 15.000 số hóa đơn cho khoảng 1.000 doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng…với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng.
Liên quan đến tình trạng nêu trên, tháng 3 vừa qua, Công an TP. Hà Nội phá đường dây 28 công ty “ma” do đối tượng Lê Thị Hạnh sinh năm 1985, quận Hoàng Mai cùng một số người lập nên để thực hiện mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng. Qua xác minh, các đối tượng đã mua bán trót lọt hơn 48.000 hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá hơn 1.553 tỷ đồng trên phạm vi cả nước.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong 2 năm gần đây, cơ quan Thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp.