Triều Tiên có vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đầu tiên trong vòng 1 năm trở lại đây, Nhật Bản cho biết ngày 25/3. Động thái này của Bình Nhưỡng cho thấy thách thức mà chính quyền mới thành lập của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt khi lên chính sách ứng phó với Triều Tiên.
Theo tin từ Bloomberg, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận rằng Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo vào sáng sớm ngày thứ Năm (25/3), vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên hiệp quốc. Văn phòng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng đã rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cho biết đang theo dõi tình hình và tham vấn với các đồng minh, đồng thời tái khẳng định vững chắc cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc
"Vụ phóng tên lửa này diễn ra lần đầu tiên sau gần một năm và đặt ra nguy cơ đối với hòa bình và an ninh của đất nước chúng tôi cũng như của khu vực", ông Suga nói. "Chúng tôi quyết tâm hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các bên liên quan khác để bảo vệ người dân ở mức độ cao nhất".
Giới chức Nhật Bản nói những tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng đã bay khoảng 450 km, một quãng đường cho thấy đây là những tên lửa tương tự như loại đạn đạo tầm ngắn có năng lực hạt nhân mà Triều Tiên đã thử vào thời Tổng thống Donald Trump. Khi đó, ông Trump không đặt nặng việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, mà tập trung vào những lợi ích từ việc cá nhân ông tương tác với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo giới phân tích, với vụ phóng tên lửa này, ông Kim Jong Un đang thử phản ứng của ông Biden. Đây là cách làm "truyền thống" của Bình Nhưỡng mỗi khi Mỹ có Tổng thống mới, và cũng nhằm thúc đẩy lợi ích của Triều Tiên trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách ở Washington. Trong các cuộc đàm phán với ông Trump, ông Kim đã thể hiện rõ quan điểm rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng cắt giảm một phần chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới trừng phạt, nhưng sẽ không có chuyện Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
"Nếu Mỹ đáp trả và phản ứng với từng vụ thử và từng hành động gây hấn của Triều Tiên, thì Mỹ sẽ lại rơi vào đúng cái bẫy mà các chính quyền tiền nhiệm đã vướng phải", nhà phân tích Soo Kim thuộc Rand Corp. nhận định. "Quan trọng hơn là cần phải xác định hành động gây hấn nào là đáng phải đáp trả, nên đáp trả ra sao, và phát tín hiệu về hậu quả đối với Triều Tiên".
Đến nay, Triều Tiên vẫn bác bỏ nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm nối lại đàm phán Mỹ-Triều. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui gọi những nỗ lực đó của Washington là "chiến thuật câu giờ".
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austi đã có chuyến thăm Seoul, đánh dấu chuyến công du đầu tiên tới khu vực của cả hai vị này kể từ khi nhậm chức. Tuần tới, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ đón tiếp các đối tác từ Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về một chiến lược phối hợp để ứng phó với Triều Tiên.
Từ năm 2019, Triều Tiên đã liên tục có các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và có thể tấn công bất kỳ vị trí nào của Hàn Quốc - đất nước nơi đang có 28.500 binh sỹ Mỹ đồn trú.
Vụ phóng vừa diễn ra là lời nhắc nhở rằng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một trong những thách thức đối ngoại lớn nhất của Mỹ, cho dù ông Trump đã có những cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với ông Kim. Trong cuộc gặp vào năm 2018, ông Kim đưa ra cam kết mơ hồ về "tiến tới hoàn tất phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", Bình Nhưỡng đến nay vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình.
Trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken từng gọi chính sách ngoại giao cá nhân của ông Trump trong vấn đề Triều Tiên là một thất bại, đồng thời ủng hộ một phương thức tiếp cận đa phương để đạt tới sự giải trừ vũ khí hạt nhân theo từng giai đoạn trên bán đảo Triều Tiên. Thời ông Trump, Bình Nhưỡng đã phản bác đề xuất của Mỹ rằng Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn hạt nhân trước khi được dỡ trừng phạt, thay vì giải trừ hạt nhân tới đâu được nới trừng phạt tới đó.