July 08, 2016 | 12:17 GMT+7

Triều Tiên: Mỹ trừng phạt ông Kim Jong Un là "tuyên chiến"

An Huy

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói rằng việc Washington trừng phạt ông Kim Jong Un là một "tội ác đáng ghê tởm"

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chụp ảnh cùng thiếu nhi nước này - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chụp ảnh cùng thiếu nhi nước này - Ảnh: KCNA/Reuters.<br>
Triều Tiên ngày 7/7 cảnh báo rằng nước này đang lên kế hoạch đáp trả mạnh mẽ nhất đối với việc Mỹ lần đầu tiên áp lệnh trừng phạt nhà lãnh đạo Kim Jong Un với lý do vi phạm nhân quyền. Bình Nhưỡng nói rằng động thái này của Mỹ là “sự tuyên bố chiến tranh”.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói rằng việc Washington trừng phạt ông Kim Jong Un là một “tội ác đáng ghê tởm”. “Mỹ dám thách thức phẩm giá nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, một hành động khiến người ta liên tưởng tới một con chó nhỏ mới sinh không hề biết sợ hổ là gì”, tuyên bố của KCNA viết.

“Đây là hành động thù địch tồi tệ nhất và một sự tuyên bố chiến tranh công khai đối với Triều Tiên, bởi nó đã vượt xa sự đối đầu xung quanh vấn đề nhân quyền”.

Phản ứng trước tuyên bố này của Bình Nhưỡng, Chính phủ Mỹ kêu gọi Triều Tiên tránh có những phát ngôn và hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Trước đó, vào hôm thứ Tư, Mỹ công bố lệnh trừng phạt đầu tiên vì lý do vi phạm nhân quyền đối với các cá nhân người Triều Tiên, bao gồm nhà lãnh đạo Kim và 10 quan chức cấp cao của nước này. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng áp dụng đối với 5 bộ và cơ quan thuộc Chính phủ Triều Tiên. Lệnh trừng phạt này có ảnh hưởng đến các tài sản nằm trong quyền tài phán của Mỹ.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hy vọng Trung Quốc sẽ hối thúc đồng minh Triều Tiên có sự hợp tác quốc tế trong vấn đề nhân quyền - phát ngôn viên Stephane Dujarric của ông Ban Ki-moon cho biết ngày 7/7.

Bà Dujarric nói rằng ông Ban Ki-moon, người hiện đang có chuyến công du Trung Quốc, “tin rằng việc thảo luận về vấn đề nhân quyền sẽ tạo điều kiện cho phép đánh giá và hành động toàn diện hơn khi giải quyết các mối lo về an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Khi được hỏi về động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này phản đối việc sử dụng lệnh trừng phạt đơn phương. Trung Quốc lập lập rằng tình hình nhân quyền ở Triều Tiên không phải là một nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Từ trước đến nay, Trung Quốc cũng đã ngăn cản việc thảo luận vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác với Liên hiệp quốc trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng phải cắt giảm chương trình hạt nhân.

Triều Tiên đã chịu lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc từ năm 2006. Tháng 3 năm nay, Hội đồng Bảo an siết chặt trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tiền hành vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1 và phóng một tên lửa tầm xa vào tháng 2.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama nói rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ cho thấy Washington đặt trọng tâm lớn hơn vào vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên - một vấn đề được coi là quan trọng thứ hai sau những nỗ lực của Mỹ nhằm dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích và ngoại giao cảnh báo rằng hành động của Mỹ có thể cản trở sự hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trong tuyên bố trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ nêu ngày sinh của ông Kim Jong Un là ngày 8/1/1984. Đây là lần hiếm hoi ngày sinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên được xác nhận chính thức.

Hàn Quốc - quốc gia đã cắt đứt tất cả quan hệ chính trị và thương mại với Triều Tiên, cũng như đã công bố lệnh trừng phạt của riêng mình đối với Triều Tiên hồi tháng 2 năm nay - hoan nghênh động thái của Mỹ. Seoul cho rằng động thái này sẽ khuyến khích cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để buộc nước này phải cải thiện tình hình nhân quyền.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate