February 10, 2015 | 07:52 GMT+7

Triều Tiên phản pháo bức ảnh “tối đen như mực”

Diệp Vũ

Bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng đã có sự đề cập hiếm hoi tới bức ảnh được NASA công bố cách đây một năm

Bức ảnh chụp bán đảo Triều Tiên mà NASA công bố ngày 24/1 - Nguồn: WSJ/Reuters.
Bức ảnh chụp bán đảo Triều Tiên mà NASA công bố ngày 24/1 - Nguồn: WSJ/Reuters.
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về Triều Tiên được chụp từ vệ tinh vào ban đêm, cho thấy nước này gần như chìm trong bóng tối, trái ngược với một Hàn Quốc rực rỡ ánh điện.

Bức ảnh này có lẽ là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy những khó khăn kinh tế mà Triều Tiên đang phải đối mặt.

Không loại trừ khả năng, sự xuất hiện của bức ảnh trên truyền thông quốc tế đã khiến Bình Nhưỡng “khó chịu”. Trước nay, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn nói rằng chính quyền đang đưa đất nước tiến tới sự thịnh vượng kinh tế.

Theo tờ Wall Street Journal, bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng đã có sự đề cập hiếm hoi tới bức ảnh được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố cách đây một năm này.

Một bài xã luận mới đây trên tờ báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên đưa ra hai quan điểm về bức ảnh: thứ nhất, người dân Triều Tiên không nên quá sốt ruột với việc có một mạng lưới cung cấp điện tốt, và thứ hai, bức ảnh này thực ra cho thấy tương lai của nước Mỹ.

Với tiêu đề “Ngay trước mắt chúng ta”, bài xã luận kêu gọi người dân Triều Tiên đi theo sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un để xây dựng một đất nước hùng mạnh.

Tiêu đề của bài viết có lẽ được trích từ một câu nói của ông Kim Jong Un: “Hạnh phúc ở ngay trước mắt chúng ta”.

Trong phần 1 của bài xã luận dài hơn 4.000 từ khi được dịch sang tiếng Anh, tác giả nói rằng, bức ảnh chụp từ vệ tinh đã được sử dụng như một bằng chứng về sự thất bại của Triều Tiên.

“Họ [những người Triều Tiên rời bỏ đất nước] vỗ tay và lớn tiếng về bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy thành phố của chúng ta không có nhiều ánh sáng, nhưng bản chất của xã hội không nằm ở thứ ánh sáng phù hoa”, bài xã luận có đoạn viết.

Câu này của bài xã luận có thể khiến nhiều người Triều Tiên khó hiểu nếu họ còn nhớ những gì mà ông Kim Jong Un đã nói trong một bài phát biểu nhân dịp năm mới vừa qua.

Khi đó, nhà lãnh đạo này kêu gọi “nỗ lực lớn để giải quyết tình trạng thiếu điện”.

Tiếp đó, bài xã luận áp dụng lối nói quen thuộc trong tuyên truyền ở Triều Tiên, nói rằng nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều vấn đề như mức nợ cao, phong trào biểu tình chiếm Phố Wall, và sự bất bình của người dân như liên quan đến vụ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da màu tay không vũ khí ở Ferguson, Missouri vào năm ngoái.

Theo bài xã luận, đó là những bằng chứng cho thấy bóng tối đang dịch chuyển về phía nước Mỹ.

“Một siêu cường già cỗi đang đứng trước hoàng hôn có thể cố tỏ ra ngạo mạn, nhưng không thể tránh được số phận u ám của mình”, bài viết kết luận.

Bức ảnh nói trên được chụp vào ngày 30/1/2014  và được NASA công bố vào ngày 24/2/2014. Những gì trên bức ảnh cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn giữa hai miền Triều Tiên.

Cả phần lãnh thổ Triều Tiên bị bao phủ bởi một màu đen kịt, chỉ lốm đốm vài điểm sáng. Trong khi đó, phần lãnh thổ Hàn Quốc ở phía dưới và Trung Quốc ở phía trên rực rỡ ánh sáng của đèn điện.

Duy chỉ có khu vực Bình Nhưỡng và một số thành phố khác của Triều Tiên như Wonsan ở bờ biển phía Đông là có ánh điện le lói phát ra. Còn đâu, các vùng khác của đất nước này “tối đen như mực” trong bức ảnh chụp từ vệ tinh của NASA.

 “Vùng đất tối trông như một vùng nước lặng lẽ nối giữa biển Hoàng Hải với biển Nhật Bản, trong khi Bình Nhưỡng tựa như một hòn đảo nhỏ”, NASA nhận xét trong một tuyên bố đi kèm bức ảnh.

“Sự khác biệt này phản ánh chênh lệch trong mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của hai nước. Con số này ở Hàn Quốc là 10.162 kilowatt giờ, còn ở Triều Tiên là 739 kilowatt giờ”, NASA viết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate