Sáng sớm ngày hôm nay (13/12), Triều Tiên tuyên bố đã xử tử hình ông Jang Song Thaek, chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Theo tin phát đi từ Bình Nhưỡng, nhân vật cho tới gần đây vẫn được xem là người quyền lực thứ nhì ở Triều Tiên này bị xử tử vì âm mưu đảo chính.
Tờ Wall Street Journal cho tiết, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đã chính thức xác nhận vụ xử tử ông Jang. Bản tin này của KCNA được công bố sau nhiều đồn đoán của dư luận và truyền thông quốc tế về số phận của ông Jang, người mới đây bị tước mọi chức vụ, khai trừ khỏi đảng Lao động Triều Tiên và bị bắt ngay trong một cuộc họp của đảng này.
Giới phân tích bình luận, vụ xử tử ông Jang làm gia tăng lo ngại về khả năng bất ổn ở Triều Tiên. Gần đây, giọng điệu về quân sự của Triều Tiên đã được đẩy lên một nấc mới cao hơn trước thềm kỷ niệm 2 năm ngày “lên ngôi” của ông Kim Jong Un vào tuần tới.
Bản tin của KCNA sáng nay cáo buộc ông Jang âm mưu “lật đổ nhà nước”, gọi ông là một “kẻ chống lại đảng, nhân tố gây chia rẽ, phản cách mạng, ham hố quyền lực chính trị một cách ti tiện, lừa đảo”. Bài báo cũng nói rằng, ông Jang đã thừa nhận những cáo buộc nhằm vào ông tại một tòa án quân sự đặc biệt thuộc Bộ An ninh Quốc gia diễn ra ngày 12/12 ở Bình Nhưỡng.
“Mặc dù không thể xác nhận độc lập về diễn biến này, chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ bản tin chính thức trên KCNA rằng ông Jang Song Thaek đã bị xử tử”, phát ngôn viên Marie Harf của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố gửi đi theo được email. “Nếu được xác nhận, đây là một ví dụ nữa về sự tàn bạo cực điểm của chính quyền Triều Tiên”.
Năm nay 67 tuổi, ông Jang là chồng của bà Kim Kyong Hui, người em gái của nhà cố lãnh đạo Kim Jong Il, tức là cô ruột của ông Kim Jong Un. Trước cú “ngã ngựa” gây xôn xao này, ông Jang được cho là người đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ông Kim Jong Un lên tiếp quản đất nước sau khi ông Kim Jong Il qua đời.
Tuy nhiên, bản tin của KCNA nói rằng, ông Jang có “tham vọng lớn về thâu tóm quyền lực tối cao trong đảng và Nhà nước”, và “úp úp mở mở” ngáng trở con đường quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un sau cái chết của ông Kim Jong Il vào tháng 12/2011.
Sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền lực, ông Jang “hành xử quá ngạo mạn và xấc xược, chẳng hạn không buồn đứng lên khỏi ghế và chỉ vỗ tay kiểu nửa chừng”, bản tin KCNA cho biết. Cũng theo bản tin này, sau đó, ông Kim đã tìm cách giành được sự tin tưởng sâu hơn từ nhà lãnh đạo trẻ bằng cách tháp tùng ông Kim trong những lần xuất hiện trước công chúng. Nhưng song song với đó, theo bản tin, ông Jang tìm cách “lật đổ sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa”.
“Phàm đã là con người, nếu được người khác tin tưởng, chắc chắn sẽ đáp trả bằng sự biết ơn, nhân từ và trung thành”, bài báo viết.
Bản tin về vụ xử tử ông Jang của KCNA đã dùng những lời lẽ nặng nề nhất để cáo buộc một người cho tới gần đây vẫn giữ chức vụ cao cấp trong đảng lãnh đạo của Triều Tiên và là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, cơ quan ra quyết định cao nhất nước này.
Chủ nhật tuần trước, ông Jang bị tước mọi chức vụ và khai trừ đảng trong một cuộc họp của đảng Lao động cầm quyền sau khi bị cáo buộc một loạt tội danh, từ biển thủ tài sản quốc gia cho tới lối sống không phù hợp.
Việc KCNA xác nhận xử tử ông Jang có thể dẫn tới đồn đoán gia tăng cho rằng, ông này là nạn nhân của một cuộc đấu đá chính trị đang trở nên căng thẳng ở Triều Tiên. Phiên tòa xét xử và việc tử hình ông Jang được thực hiện bởi Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên, một cơ quan mà những người Triều Tiên rời bỏ đất nước xem là một đối thủ kỳ cựu của lực lượng cảnh sát bí mật do ông Jang kiểm soát, gọi là Bộ An ninh Nhân dân.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate