January 16, 2022 | 10:38 GMT+7

Trong khi cá nhân trong nước “tháo chạy” bán ròng 1.600 tỷ, tự doanh và khối ngoại gom mạnh

An Nhiên -

Trong tuần này chứng kiến sự đối nghịch giữa dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân với tự doanh và khối ngoại...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tuần giao dịch vừa qua như "thảm sát" đối với cổ phiếu nhóm đầu cơ. Hiện tượng Tân Hoàng Minh bỏ cọc vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã châm ngòi nổ với cổ phiếu bất động sản hàng hoạt mã lập tức xì hơi chết cứng thanh khoản. Giao dịch chui của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng góp gió thành bão cổ phiếu họ FLC sàn la liệt rơi tự do.

Cộng hưởng cả hai "tội đồ" đã khiến chỉ số bốc hơi 32,46 điểm so với tuần trước đó, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần VN-Index còn 1.496,02 điểm. HNX-Index giảm 26,98 điểm xuống 466,86 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 3,38 điểm xuống 112,22 điểm.

Trong tuần này chứng kiến sự đối nghịch giữa dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân với tự doanh và khối ngoại. Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu cá nhân trong nước tiếp tục có tuần bán ròng thứ 3 ở sàn HoSE tổng giá trị gần 1.647 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với tuần trước, trong đó, dòng vốn này bán ròng 1.824 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.

VHM bị nhà đầu tư cá nhân xả ròng mạnh nhất với 764 tỷ đồng. VNG và KBC bị bán ròng lần lượt 422 tỷ đồng và 358 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CII là cổ phiếu được cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất với giá trị 549 tỷ đồng. GEX và VNM cũng là hai cổ phiếu được cá nhân trong nước mua ròng rất mạnh với giá trị lần lượt 487 tỷ đồng và 465 tỷ đồng.

Trong khi cá nhân trong nước “tháo chạy” bán ròng 1.600 tỷ, tự doanh và khối ngoại gom mạnh - Ảnh 1

Trái ngược hoàn toàn với cá nhân trong nước, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị 171 tỷ đồng giảm 78% so với tuần tuần trước, trong đó khối tự doanh mua ròng 315 tỷ đồng thông qua khớp lệnh. Trong tuần, tự doanh cũng bán ròng tại phiên Thủ Thiêm huỷ cọc nhưng sau đó phiên cuối tuần lại tiếp đà mua mạnh.

Cổ phiếu được tự doanh mua ròng nhiều nhất trong tuần qua gồm VRE 85 tỷ; MWG và FPT được mua ròng lần lượt 61 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Nhiều mã khác cũng được tự doanh gom mạnh như PNJ, KBC, PVD, VPB. Ở chiều ngược lại, FLC bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với giá trị 243 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị bán ròng 104 tỷ đồng. Tiếp sau đó, STB và KDH bị bán ròng lần lượt 46 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.

Những cổ phiếu tự doanh mua/bán ròng tuần qua. 
Những cổ phiếu tự doanh mua/bán ròng tuần qua. 

Tương tự, khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 714 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần qua. Nếu tính về khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng 582 tỷ đồng.

Khối ngoại sàn HoSE mua ròng nhiều nhất mã VHM với giá trị 252 tỷ đồng. KDH và DXG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 203 tỷ đồng và 202 tỷ đồng. VIC cũng được mua ròng 177 tỷ đồng. Như vậy, cả 4 vị trí dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HoSE đều thuộc nhóm bất động sản. Chiều ngược lại, VRE bị bán ròng mạnh nhất với 256 tỷ đồng. Hai cổ phiếu đứng sau cũng thuộc nhóm bất động sản là CII và NVL với giá trị bán ròng lần lượt 240 tỷ đồng và 161 tỷ đồng.

Những cổ phiếu khối ngoại mua/bán ròng tuần qua. 
Những cổ phiếu khối ngoại mua/bán ròng tuần qua. 

Giao dịch của khối ngoại được đánh giá thay đổi rất nhiều so với thời điểm cách đây 3-4 năm. Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng mua nắm giữ dài hạn tuy nhiên giờ đây thị trường thay đổi với làn sóng đầu cơ gia tăng mạnh mẽ vì thế khối ngoại khẩu vị cũng thay đổi theo.

Bình luận về khẩu vị mua bán của quỹ ngoại trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, dù nhà đầu tư nước ngoài giờ đây không còn đóng vai trò quan trọng nữa song việc các quỹ lớn họ lướt sóng liên tục cũng khiến thị trường ngày càng khó đoán hơn so với giai đoạn của 10-15 năm trước.

"Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài gần đây biến động mạnh, họ mua không phải giữ dài hạn như họ nói mà giao dịch hàng ngày hàng tuần tuỳ theo sóng, rất nhiều. Một số quỹ nước ngoài tập trung cổ phiếu nhỏ thì họ có thể giao dịch như vậy. Các quỹ lớn bây giờ cũng giao dịch lướt sóng nhiều làm cho thị trường khó đoán hơn so với giai đoạn 10-15 năm trước.

Thứ hai, nhìn vào cơ cấu mua bán của nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường xuống chưa chắc họ bán, ngược lại, khi mà nhà đầu tư trong nước hoảng loạn họ không bán mà mua vào. Ví dụ phiên hôm 9/12/2021, phiên trước đó thị trường thủng rất mạnh nhà đầu tư trong nước bán thục mạng, nhà đầu tư nước ngoài họ khôn, họ mua vào. Tức là họ mua vào bán ra một mã cổ phiếu chứ không mua dài hạn nữa. Thị trường bây giờ thú vị, tôi thấy dòng tiền sẽ phân hoá, nhà đầu tư cá nhân lướt sóng, và nhà đầu tư nước ngoài cũng lướt sóng", ông Thuân nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate