Theo thống kê của SSI Research, giao dịch của các quỹ ETF trong tháng 12 chủ yếu nghiêng về bên bán với giá trị bán 2,1 nghìn tỷ đồng và tập trung ở một số quỹ lớn với quy mô giao dịch đáng kể.
Một số quỹ duy trì xu hướng rút vốn từ tháng trước như VanEck (-125 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (-557 tỷ đồng) và DCVFM VNDiamond (-1.159 tỷ đồng). Đáng chú ý, quỹ iShares Frontier bất ngờ bị rút vốn mạnh trong tháng 12 với giá trị lên tới -2,6 nghìn tỷ đồng trong đó có 30% tỷ trọng phân bổ vào thị trường Việt Nam.
Ngược lại, điểm sáng hiếm hoi ghi nhận ở quỹ Fubon với giá trị vốn vào ròng 459 tỷ đồng.
Tính chung trong năm 2023, xu hướng vào ròng tích cực chỉ duy trì trong 3 tháng đầu năm, sau đó dòng tiền suy yếu dần khiến dòng vốn đảo chiều vào cuối năm, đưa tổng dòng vốn cả năm 2023 về mức âm 1,7 nghìn tỷ đồng, sau khi ghi nhận giá trị hút vốn kỷ lục +25,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
Đóng góp chủ yếu đến từ nhóm quỹ ngoại bao gồm Fubon (+1,7 nghìn tỷ), VanEck (+1,7 nghìn tỷ), Xtrackers FTSE Vietnam (+1,5 nghìn tỷ), ngược lại các quỹ nội chịu áp lực rút vốn mạnh như DCVFM VNDiamond (-3,7 nghìn tỷ), SSIAM VNFIN Lead (-1,9 nghìn tỷ), DCVFM VN30 (-945 tỷ đồng) và quỹ iShares Frontier (-2,4 nghìn tỷ).
Giao dịch từ các quỹ chủ động tích cực hơn trong tháng 12. Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào thị trường Việt Nam đảo chiều vào ròng nhẹ 320 tỷ đồng trong tháng 12, chủ yếu là sự xuất hiện của quỹ mở mới.
Nhóm quỹ còn lại có giao dịch khá cân bằng. Tính trong năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng – tập trung trong Quý 1/2023. Tổng tài sản của các Quỹ chủ động vẫn ghi nhận mức tăng 12% so với cuối năm 2022.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh trong tháng 12, lên tới 10 nghìn tỷ đồng và bán ròng gần 23 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm tới nay. Khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định.
Xu hướng đối lập kể trên phần nhiều đến từ xu hướng rút vốn ra khỏi thị trường ASEAN từ các quỹ đầu tư đa quốc gia (không được tính đến trong số liệu ở trên).
Về trung hạn, dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển, tuy nhiên điều này thường sẽ chỉ xuất hiện sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Về ngắn hạn, sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam từ các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng từ những quy định/kế hoạch mới của Chính phủ nước này giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán nội địa.
Trên thị trường toàn cầu, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu đang phát triển đảo chiều vào ròng trong tháng 12. Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM hạ nhiệt khi chỉ vào ròng gần 27 tỷ USD trong tháng 12. Sức hút từ thị trường Mỹ vẫn duy trì (+46,7 tỷ USD trong tháng 12, không có nhiều khác biệt so với tháng 11) trong khi rút ròng ghi nhận ở Nhật Bản và Châu Âu.
Kỳ vọng về xu hướng lãi suất sẽ dễ chịu hơn trong năm 2024 trong bối cảnh kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” giúp dòng tiền vẫn tương đối tích cực vào thị trường Mỹ. Tính chung trong năm 2023, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM vào ròng 62 tỷ USD, giảm 18% svck, trong đó Mỹ (+95 tỷ USD) và Nhật Bản (+7 tỷ USD) là 2 thị trường có nhiều sức hút nhất trong năm 2023.
Dòng vốn vào cổ phiếu EM đảo chiều vào ròng 10,9 tỷ USD. Trong đó thị trường Trung Quốc (+12,9 tỷ USD) ghi nhận mức vào ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 8/2023. Hầu hết các thị trường đang phát triển khác đều ghi nhận có dòng tiền giải ngân trong tháng 12, trong đó` đáng chú ý nhất bao gồm Ấn Độ (+3,1 tỷ USD) và Đài Loan (+1,2 tỷ USD).
Tâm lý vào các quỹ cổ phiếu vẫn còn khá thận trọng so với giai đoạn bùng nổ vào 2021 và do vậy quán tính dòng tiền nhiều khả năng vẫn duy trì vào thị trường Mỹ và các quốc gia có câu chuyện riêng (như Ấn Độ) hơn là các thị trường khác. Yếu tố rủi ro lớn nhất đối với dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu là thực tế không đạt như kỳ vọng, áp lực lạm phát khiến Fed duy trì mức lãi suất cao ở thời gian lâu hơn.