October 26, 2009 | 10:21 GMT+7

Trục lợi bảo hiểm

Lan Hương

Trục lợi bảo hiểm, hiểu một cách nôm na, đó là hành vi kiếm lợi bất hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm

Các hình thức trục lợi bảo hiểm xe cơ giới phổ biến ở Việt Nam phải kể tới như: hợp lý hóa ngày tai nạn và hiệu lực bảo hiểm, thay đổi tình tiết vụ tai nạn, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn.
Các hình thức trục lợi bảo hiểm xe cơ giới phổ biến ở Việt Nam phải kể tới như: hợp lý hóa ngày tai nạn và hiệu lực bảo hiểm, thay đổi tình tiết vụ tai nạn, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn.
Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng nhiều nhất vẫn là trục lợi bảo hiểm xe cơ giới. Cùng với tốc độ phát triển của thị trường bảo hiểm, mức độ và cách thức trục lợi cũng ngày càng tinh vi và đa dạng hơn.

Trục lợi bảo hiểm, hiểu một cách nôm na, đó là hành vi kiếm lợi bất hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm. Các chuyên gia bảo hiểm thừa nhận rằng, nhìn chung tâm lý của khách hàng là mua bảo hiểm cho tài sản của mình để được chia sẻ rủi ro, để an tâm là tài sản của mình được bảo vệ khi có sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường hợp khách hàng gian dối, mua bảo hiểm khi đã bị tai nạn hoặc cố tình gây ra tổn thất để đòi tiền bồi thường.

Ngày càng tinh vi

Các hình thức trục lợi bảo hiểm xe cơ giới phổ biến ở Việt Nam phải kể tới như: hợp lý hóa ngày tai nạn và hiệu lực bảo hiểm, thay đổi tình tiết vụ tai nạn, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn.

Để chống trục lợi bảo hiểm, các doanh nghiệp đều có những giải pháp riêng. Các vụ gian lận bảo hiểm xe cơ giới dù chuẩn bị kỹ càng tới đâu cũng để lại những sơ hở gây nghi vấn. Từ thực tiễn giải quyết bồi thường tại các công ty bảo hiểm cho thấy, người làm bảo hiểm nếu nắm vững được các biểu hiện nghi vấn này sẽ dễ dàng hơn trong việc điều tra.

Lãnh đạo một công ty bảo hiểm kể rằng, trong một thời gian ngắn, có những khách hàng gặp nhiều sự cố đến mức “đáng ngờ”. Có cả những trường hợp gian lận bảo hiểm, buộc công ty phải huỷ hợp đồng. “Khi một chiếc xe khiếu nại quá nhiều, công ty chúng tôi  đánh giá thấy rủi ro này vượt quá khả năng bảo hiểm thì sẽ phải chấm dứt hợp đồng và trả lại phần phí cho thời gian chưa bảo hiểm. Trong hoàn cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt để giành được khách hàng, việc phải chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn là hoàn toàn ngoài ý muốn”, vị giám đốc này chia sẻ.

Hai trường hợp sau là minh họa cụ thể về trục lợi bảo hiểm:

- Chủ  một chiếc xe Accura mua bảo hiểm ngày 28/12/2008 và báo tai nạn xảy ra tại Lâm Đồng. Trong biên bản tai nạn  được CA Lâm Đồng ký vào ngày 17/1/2009 nhưng lại ký dấu treo. Toàn bộ thiệt hại của chiếc xe này khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giám định tại garage thì phát hiện chiếc xe này bị đóng bụi bẩn như đã nằm tại garage lâu lắm. Sau khi kiểm tra sổ của bảo vệ garage thì biết chiếc xe này được kéo về garage ngày 27/12/2008, tức là thời điểm trước ngày mua bảo hiểm. Như vậy, sau khi xe bị tai nạn, chủ xe mới gắn biển số xe bị hư hại này vào chiếc xe khác cùng loại còn nguyên vẹn và mua bảo hiểm để được đền bù cho chiếc xe bị thiệt hại.

- Khách hàng mua bảo hiểm chiếc xe Huyndai Santafe ngày 11/8/2009 và đã báo tai nạn ngày 16/8/2009. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra giám định tai nạn, nhân viên bồi thường đã phát hiện sự không trung thực của khách hàng. Khách hàng mua bảo hiểm cho chiếc xe Huyndai Santafe đời 2007 với hình xe nộp cho công ty bảo hiểm còn khá mới. Nhưng khi yêu cầu bồi thường lại là chiếc Huyndai Santafe đời 2003. Santafe đời 2003 có một số chi tiết bên ngoài khác với đời 2007 mà khách hàng đã sơ ý không phát hiện ra mặc dù đã cố tình lấy biển số xe bị hư hỏng gắn vào xe còn nguyên vẹn để mua bảo hiểm.

Khi nào cần chấm dứt hợp đồng?

Tình trạng trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam là khá phổ biến nhưng để phát hiện được lại rất khó khăn. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất là công ty bảo hiểm huỷ hợp đồng và việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm là hợp pháp và được quy định trong Điều 23, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trên thực tế, bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng đều liên tục xem xét và đánh giá rủi ro của các khách hàng được bảo hiểm. Nếu tại thời điểm nào đó trong thời gian hiệu lực hợp đồng, rủi ro vượt quá khả năng bảo hiểm của công ty thì công ty tiến hành chấm dứt hợp đồng và trả lại phí cho phần thời gian chưa bảo hiểm. Điều này áp dụng cho tất cả các loại hình bảo hiểm và có qui định rõ ràng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong hợp đồng bảo hiểm.

Tại các nước phát triển, việc chấm dứt bảo hiểm trước thời hạn của các công ty bảo hiểm đối với những khách hàng không trung thực, rủi ro cao, không có ý thức bảo vệ tài sản của mình là việc bình thường. Riêng tại thị trường Việt Nam, việc đơn phương chấm dứt bảo hiểm của các công ty bảo hiểm thường ít xảy ra, mặc dù điều này luôn có qui định trong hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, cùng với sự gia nhập của các công ty bảo hiểm nước ngoài và mức độ cạnh tranh cũng như sàng lọc đối tượng khách hàng ngày càng gay gắt, việc chấm dứt hợp đồng trong thời gian bảo hiểm đã trở nên bình thường hơn. Và theo các chuyên gia bảo hiểm, điều này sẽ hướng cho khách hàng có cái nhìn đúng đắn về bảo hiểm và đồng thời cũng nâng cao ý thức cùng công ty bảo hiểm bảo vệ tài sản của mình.

Các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho khách hàng là để được chia sẻ  rủi ro với khách hàng, giúp cho khách hàng an tâm về giá trị tài sản của mình khi có rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng luôn mong muốn rằng khách hàng có ý thức giữ gìn tài sản của mình, đừng phó mặc tất cả cho các công ty bảo hiểm. Bởi vì rủi ro quá cao cùng với số lần bồi thường nhiều cũng khiến cho các công ty bảo hiểm e ngại khi xem xét tái tục, hoặc phải chấm dứt hợp đồng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate