Tiếp nối thành công của Diễn đàn Nhịp cầu phát triển lần đầu tiên được tổ chức năm 2021 (Vietnam Connect), trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ về phát triển, nhất là về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển mới hậu Covid-19, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam – Vietnam Economic Times tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển năm 2022 với chủ đề: Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Diễn đàn Vietnam Connect năm 2022 (lần thứ 2) sẽ tập trung tăng cường kết nối giữa các địa phương với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế thông qua cơ chế đối thoại cởi mở về cơ hội huy động nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp để hút các nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, các địa phương và các khu vực doanh nghiệp.
Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển - Vietnam Connect 2022 gồm 2 phiên chính:
- Phiên tham luận: gồm những bài phân tích về bối cảnh quốc tế, các xu hướng mới đang nổi lên về đổi mới mô hình kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, cũng như đánh giá thực trạng tiến trình chuyển đổi xanh của Việt Nam hiện nay và thời gian tới.
- Phiên thảo luận: tương tác trực tiếp với các khách mời đại diện các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội quốc tế, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cùng tập trung đề cập, bàn thảo và hiến kế huy động và thực thi hiệu quả các nguồn lực phục vụ hoạt động chuyển đổi xanh và mục tiêu tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Để chương trình chính thức bắt đầu, ngay sau đây, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Bài phát biểu của ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao:
"Trước hết, thay mặt Bộ Ngoại giao Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu tham dự “Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Địa phương – Doanh nghiệp: Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thưa quý vị đại biểu,
Diễn đàn của chúng ta hôm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải chứng kiến những thay đổi sâu sắc. Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế. Trong đó, chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dung hiện tại.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ XXI mà nhân loại phải đối diện. Mặc dù vậy, toàn cầu hoá 4.0 với đặc trưng là các tiến bộ công nghệ lại mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia đều có nhu cầu tìm kiếm các mô hình quản trị phù hợp với bối cảnh mới, các mô hình đề cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo để vượt qua khủng hoảng cũng như đặt nền móng cho việc xây dựng đất nước - xã hội an toàn, phồn vinh và bền vững hơn. Tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân. Các mục tiêu phát triển đang được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, nhấn mạnh về chất thay về chỉ chú trọng đến lượng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của các chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Trước những con sóng dữ dội của thời cuộc, một nền kinh tế có độ hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới như Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi những chấn động. Nhưng với tâm thế sẵn sàng chủ động vượt qua mọi bão giông, biến thách thức thành cơ hội, chúng tôi nhìn nhận quá trình phục hồi hậu đại dịch mở ra chân trời mới để xây dựng nền kinh tế xanh phù hợp với những định hướng lớn được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Thưa quý vị đại biểu,
Sau hơn 35 năm Đổi mới, “Việt Nam chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Khát vọng về một Việt Nam hùng cường đã được thể hiện ở mục tiêu đưa đất nước gia nhập hàng ngũ nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là “phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu”. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ ban hành ngày 30/01/2022 cũng khẳng định quyết tâm phát triển một “nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững”. Song hành để thực hiện các mục tiêu này là ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, với trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học – công nghệ. Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Nếu nhìn nhận nguồn lực quốc gia theo tư duy và cách tiếp cận mở, cần phải gắn nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước, kết hợp hài hòa nội lực và ngoại lực, giữa sức mạnh dân tộc và thời đại. Trong mọi thời kỳ, đối ngoại luôn phục vụ sự phát triển lâu dài, bền vững và trường tồn của đất nước.
Với phương châm “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước”, “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao đã và đang cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đẩy mạnh phát huy các hình thức ngoại giao mới phục vụ phát triển như ngoại giao y tế, ngoại giao môi trường, ngoại giao khí hậu, ngoại giao công nghệ,… Tiếp tục tinh thần đón đầu và vượt lên trên những con sóng lớn của thời cuộc, chúng tôi xác định việc nghiên cứu, tham mưu chính sách cho Chính phủ, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi mô hình phát triển trong nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngoại giao, hiện nay và những năm tới.
Đối với địa phương và doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cũng như các doanh nghiệp đã tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững. “Xanh” hoá những mảng “nâu” kinh tế, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, gia tăng đầu tư tư nhân là những bước tiến quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, trung hoà các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tham dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển năm 2022 có đông đảo các vị lãnh đạo và đại diện địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đây là những địa phương và doanh nghiệp tiêu biểu cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong những năm qua. Địa phương, doanh nghiệp và người dân, không chỉ là trung tâm, động lực, đối tượng thụ hưởng, mà còn là các chủ thể nòng cốt và đi đầu hiện thực hóa các mục tiêu này. Việc nắm bắt các cơ hội để hội tụ nguồn lực của các chủ thể liên quan là quan trọng để xây dựng nền kinh tế - xã hội xanh gắn với phát triển bền vững.
Chúng tôi tin rằng, Diễn đàn năm nay sẽ là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các địa phương, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về chính sách, hành động để thúc đẩy các nguồn lực đầu tư xanh hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.
Ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay. Ngôi nhà tương lai bền vững có được nhờ những viên gạch chúng ta đặt nền móng ngay bây giờ. Đất nước sẽ không thể hiện thực hoá được khát vọng phát triển lớn lao nếu chúng ta không hành động quyết liệt, hiệu quả.
Bộ Ngoại giao cam kết sẽ là người đồng hành tin cậy cùng địa phương và doanh nghiệp trên chặng đường đi tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Chúng tôi kỳ vọng rằng các địa phương và doanh nghiệp giai đoạn tới sẽ trở thành một lực lượng đi đầu năng động, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phồn vinh, đưa địa phương và đất nước cất cánh trong thời gian tới, thể hiện phương châm “sáng tạo”, đáp ứng với đòi hỏi nhiệm vụ cao hơn và tình hình mới nhiều biến động hơn cũng là phương châm của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Với tinh thần đó, tôi xin trân trọng khai mạc Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển năm 2022.
Xin kính chúc toàn thể Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Diễn đàn của chúng ta đạt được nhiều kết quả tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn.
MC: Dưới tác động của cuộc đa khủng hoảng do đại dịch Covid- 19, biến đổi khí hậu gây ra, các quốc gia đều có nhu cầu vượt qua khủng hoảng cũng như đặt nền móng cho việc xây dựng đất nước - xã hội an toàn, phồn vinh và bền vững hơn. Tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư. Các mục tiêu phát triển đang được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, nhấn mạnh về chất thay về chỉ chú trọng đến lượng. Trong đó, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đang ngày càng trở thành những thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, địa phương và trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp và mang đến câu chuyện thành công cho nhiều quốc gia.
Tham dự Diễn đàn hôm nay có đại diện Lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngay sau đây tôi trân trọng kính mời ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường lên sân khấu phát biểu.
Bài phát biểu của ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường:
"Thưa toàn thể Diễn đàn!
Hôm nay tôi rất vinh dự được mời và phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2022 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times đồng tổ chức với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, trong bối cảnh cả nước đang tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Trước hết, tôi chân thành cảm ơn Ban Tổ chức Diễn đàn và kính chúc ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng toàn thể các quý vị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Kính thưa các quý vị! Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất chất lượng cao; phát huy tối tiềm năng, lợi thế của đất nước; coi trọng bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế là những quan điểm, mục tiêu xuyên xuốt của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ trong các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn này là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thi bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Để đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra, yêu cầu về “Hội tụ nguồn lực” và chuyển đổi sang mô hình “Tăng trưởng xanh” trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là những giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Đặc biệt, gần đây bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bối cảnh tình hình mới cũng đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết mà thế giới cũng như Việt Nam cần quan tâm giải quyết và đáp ứng, nếu không những hệ lụy tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình và chất lượng phục hồi, tăng trưởng và phát triển. Chính bối cảnh này là động lực to lớn để chúng ta quyết tâm và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhận thức sang hành động và hành động không ngừng cho những mục tiêu đã đề ra.
Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2022 hôm nay, để chúng ta cùng nhau trao đổi, tìm ra các giải pháp vượt qua những khó khăn, biến thách thức thành cơ hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Kính thưa các quý vị!
Từ đầu những năm 2000, Liên Hợp Quốc đã đề ra 8 mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ và đến năm 2015 xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi xét tính cấp thiết của việc đảm bảo thực hiện đa mục tiêu, vừa phục hồi nhanh kinh tế -xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa thúc đẩy tăng trưởng, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã đề xuất hoặc ban hành các Thỏa thuận Kinh tế Xanh (Green Deal) để từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh.
Tại châu Á, điển hình là Hàn Quốc cũng hiện đang là quốc gia thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến đổi mới có tính cách mạng và đột phá theo xu hướng này. Với việc gói kích thích Korean New Deal 2.0 được ban hành vào tháng 7 năm 2021, Hàn Quốc đã xác định 3 trụ cột chính gồm Kế hoạch số hóa mới (Digital New Deal), Kế hoạch xanh mới (Green New Deal) và Kế hoạch con người mới (Human New Deal).
Gói kích thích mới có quy mô dự kiến là 186 tỷ USD và hy vọng tạo ra 2,5 triệu việc làm. Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với quyết tâm chính trị cao nhất. Chính sách về “Tăng trưởng xanh” thể hiện rõ nét ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Trong đó, “tăng trưởng xanh” được quan niệm là sự sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của Nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế cho thấy, nền kinh tế của chúng ta phát triển chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định bởi sự phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả; ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao…
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, mà phải huy động mạnh mẽ, hội tụ được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, cũng như nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình “tăng trưởng xanh”.
Thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.
Điều này thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ rằng, tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng lâu dài mà chính là nhu cầu, là yêu cầu trước mắt và cấp thiết của thực tiễn hiện nay. Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm “xanh hóa” các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.
Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”. Và do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ đô la Mỹ, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đang đại diện ở đây. Một lần nữa, chúng ta thấy rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực tư nhân trong công cuộc kiến tạo và hình thành những giá trị phát triển.
Kính thưa các quý vị!
Tôi cho rằng, điều chúng ta cần làm bây giờ chính là cùng nhau tìm giải pháp để tiếp cận và hội tụ nguồn lực, để lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, xã hội, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn để giải bài toán kinh tế xanh. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Để kịp thời tạo nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, giao Chính phủ sớm có các chính sách đột phá, ưu tiên khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thời gian qua đã tham gia đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, điển hình là những chính sách, pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai,…
Các yêu cầu về “Hội tụ nguồn lực”, “thúc đẩy tăng trưởng xanh” để góp phần “phát triển bền vững” sẽ tiếp tục được chúng tôi xem xét trong công tác của mình trong thời gian tới. Tại Diễn đàn này, một số đề xuất sau đây, cũng có thể là thông tin gợi ý cho những nội dung bàn thảo và hiến kế các giải pháp của Diễn đàn hôm nay.
Một là, cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững. Từ góc tiếp cận lập pháp, các cơ quan nhà nước theo chức năng và thẩm quyền của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh có tính ổn định cao, tạo lập niềm tin của xã hội, nhất là khu vực đầu tư tư nhân.
Hai là, tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia. Hiện nay, các ngành và địa phương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Đây là điều kiện tốt để các ngành, địa phương đặt trọng tâm chuyển đổi xanh trong các quy hoạch phát triển và đồng thời nghiên cứu xây dựng những gói hỗ trợ xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Cộng đồng các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với các mô hình và xu hướng mới đã hình thành trong và sau đại dịch Covid-19. Do đó, việc xác định chiến lược đầu tư xanh, chuyển đổi xanh trở thành chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất nhất.
Bởi lẽ, từ góc nhìn môi trường, doanh nghiệp là một phần nguyên nhân, thì chính doanh nghiệp là một phần giải pháp. Chính vì vậy, kết hợp sự thay đổi của cả địa phương và doanh nghiệp, sẽ tạo ra sự chuyển đổi bền vững và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam. Bên cạnh đó, tìm kiếm và tạo lập những hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mới trong các ngành nghề, lĩnh vực mới nổi, nhất là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển xanh.
Ba là, tận dụng những cơ hội và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới cũng đồng thời tạo độ mở lớn, mang đến cả cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong nước. Làm sao phát huy và tận dụng hiệu quả lợi thế mang lại từ hội nhập và 18 hiệp định hợp tác thương mại đã ký kết? Làm sao nắm bắt và tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế trong công cuộc thúc đẩy kinh tế xanh của Việt Nam?
Xu thế xanh hóa các nền kinh tế trên thế giới là xu thế tất yếu, do đó, quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam cũng sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Bộ Ngoại giao đang nỗ lực thực thi nhiệm vụ kinh tế đối ngoại và tôi tin rằng các hoạt động kết nối thúc đẩy song phương và đa phương của Bộ Ngoại giao hàng năm, đơn cử như Diễn đàn Nhịp cầu phát triển hôm nay, sẽ giúp tăng cường và thúc đẩy cơ hội hợp tác và hỗ trợ từ các đối tác quốc tế đối với các địa phương và doanh nghiệp.
Với tinh thần đó, tôi xin kết thúc bài phát biểu của mình và chúc Diễn đàn thành công, mang lại nhiều thông tin giá trị và ý nghĩa, đồng thời tạo cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội cùng giao lưu, trao đổi, học tập và hợp tác.
Một lần nữa, kính chúc các quý vị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn các quý vị".
MC: Ngay sau đây Diễn đàn sẽ nghe 2 tham luận về chủ đề của Diễn đàn trước khi bước vào Phiên thảo luận tập trung với các bộ ngành, địa phương, đối tác quốc tế và doanh nghiệp. Ngay sau đây, tôi kính mời Ông Bruce Delteil, Tổng giám đốc Mc Kinsey & Company khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia phát biểu tham luận tại Diễn đàn với chủ đề Chuyển đổi xanh – xu hướng quốc tế và ý nghĩa với Việt Nam.
Các địa phương đang tập trung nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội sau tác động kéo dài của đại dịch covid-19. Cùng với đó, các địa phương cũng thực hiện đồng thời các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo các định hướng đã đặt ra của đại hội lần thứ 13 của Đảng cũng như các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn những nỗ lực của các địa phương trong quá trình thực hiện các mục tiêu này, ngay sau đây tôi kính mời ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về hành trình phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài phát biểu của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:
"Hôm nay tôi rất hân hạnh được mời đến tham dự và phát biểu tại Diễn đàn nhịp cầu phát triển 2022, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times đã lựa chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2022 tại TP.HCM. Thay mặt lãnh đạo thành phố tôi xin gửi đến toàn thể quý vị lời chào trân trọng, lời chúc tốt đẹp nhất.
Tôi xin phép được trình bày nội dung tham luận TP.HCM phục hồi kinh tế xã hội tăng trưởng xanh và phát triển bền vững từ chính sách đến hành động.
Thưa quý vị,
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, và tăng trưởng xanh, từ nhiều năm qua TP.HCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương nhằm cụ thể hóa hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường. Thông qua việc chủ động tích hợp những nội dung phát triển như đã nêu trên vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thành phố hằng năm và 5 năm, tại hội nghị này, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm liên quan đến phục hồi kinh tế đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Về phục hồi kinh tế, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp 22% GDP của cả nước, chiếm 25 – 27% tổng thu ngân sách cả nước. Thành phố có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, quy mô thị trường lớn, là địa phương triển khai thí điểm nhiều mô hình nhiều cách làm mới có hiệu quả, sức lan tỏa cao, nơi đầu tiên tổ chức chính quyền đô thị, thành phố trong thành phố tại thành phố Thủ Đức, tiên phong xây dựng đô thị thông minh, cái nôi cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, với hơn 2 nghìn startup chiếm khoảng 50% startup cả nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2021, TP.HCM là một những địa phương chịu tác động nặng nhất của dịch Covid-19. Mặc dù chịu nhiều khó khăn thách thức, nhưng Thành phố đã thể hiện tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị, đưa ra nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, các hoạt động đã trở lại điều kiện bình thường mới, các hoạt động xã hội sản xuất kinh doanh được khôi phục, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, mặc dù GRDP của TP.HCM đạt (-6,78%) nhưng tổng thu ngân sách của thành phố đạt 124,5% so với dự toán, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,23 tỷ USD, bằng 138% so với năm 2020, kiều hối về thành phố đạt 6,6 tỷ USD. Xuất khẩu bật tăng, đạt 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố đã chủ động xây dựng ban hành chương trình phục hồi kinh tế xã hội giai đoạn 2022 – 2025 nhằm đưa ra những giải pháp cấp bách, trọng tâm để khôi phục đứt gãy phục hồi kinh tế, hoạt động văn hóa xã hội với hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, 2022 tập trung khắc phục các hệ lụy đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng giúp cho dn tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh , tạo việc làm chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhờ triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp từ đầu năm tình hình phục hồi kinh tế xã hội thành phố trong quý 1 có nhiều khởi sắc khá toàn diện, hầu hết doanh nghiệp thành phố hộ kinh doanh hoạt động bình thường tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn quý 1 tăng 1,88% so với cùng kỳ., đến nay kinh tế thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ thành phố đang hồi phục nhanh và sớm hơn so với kỳ vọng.
Giai đoạn 2 từ 2023 – 2025, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh bền vững, tập trung mọi nguồn lực để phát huy thế mạnh của thành phố, trung tâm kinh tế tài chính, thương mại mua sắm, dịch vụ, logistics, du lịch, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ.
Về tăng trưởng xanh, có 3 nhiệm vụ, giảm cho bằng được cường độ phát thải khí nhà kính tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, đời sống tiêu dùng.
Về xây dựng năng lượng tái tạo, thành phố giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, thay cho xăng dầu, triển khai năng lượng mới, tái tạo.
Về xanh hóa sản xuất, dán nhãn sinh thái ở một số sản phẩm, tôn vinh doanh nghiệp xanh có ý thức bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột chính là kinh tế xã hội và môi trường, hướng đến con người là lấy con người làm trung tâm của mọi hoạt động trong phát triển.
Về kinh tế, thời gian qua nếu không tính biến động lớn do covid thì, tốc độ tăng trưởng rất ổn định, duy trì tăng trưởng ở mức độ cao, phát triển các ngành dịch vụ với tỷ trọng lớn, hiện tỷ trọng dịch vụ chiếm 62% trong tổng số GDP của thành phố. Môi trường đầu tư được cải thiện, các ngành thâm dụng vốn, lao động giảm dần.
Về xã hội, đặt con người làm trung tâm, chú trọng y tế giáo dục, việc làm, và an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều nhằm giảm phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Về môi trường, nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn chung, thời gian qua thành phố đã thực hiện tốt 3 trụ cột của phát triển là kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, để phát huy kết quả đạt được, kịp thời thích ứng với những dự báo về sự thay đổi của kinh tế xã hội trong và ngoài nước thành phố đề ra.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và kịp thời thích ứng với những dự báo về sự thay đổi của kinh tế trong và ngoài nước trong thời gian tới thành phố đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững như sau.
Thứ nhất, thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 51 chương trình và đề án trong 3 chương trình đột phá. Đó là chương trình đột phá về đổi mới quản lý; chương trình đột phá về phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá về phát triển nhân lực.
Thứ hai, thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo ăn năng suất lao động triển khai thực hiện đề án phát triển thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Song song đó thành phố tập trung xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường lao động thị trường bất động sản thị trường khoa học công nghệ, thị trường tài chính eo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Thành phố tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu nhất là những ngành lĩnh vực những công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao kinh tế số và từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp khu chế xuất sử dụng công nghệ liên lạc hậu trở thành khu công nghiệp khu chế xuất ứng dụng công công nghệ cao thân thiện môi trường ít thâm dụng lao động.
Thứ ba, chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, giải quyết những điểm nghẽn kìm hãm phát triển thành phố nhất là triển khai ngay giải pháp mạnh. Nút thắt đầu tiên đó chính là hạ tầng đô thị thành phố sẽ sớm hoàn thành việc lập quy hoạch thành phố.
Thứ tư, chúng tôi cũng sẽ tổ chức triển khai nhiều dự án phát triển hạt tại thành phố nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề mà trong đô thị đã đặt ra ví dụ như giảm ngập nước giảm ô nhiễm môi trường giảm kẹt xe đẩy mạnh phát triển các cái hệ thống giao thông liên vùng kết nối với các tỉnh đồng bằng sông cửu long các đường vành đai và các trung tâm để đảm bảo cho các điều kiện để phát triển thành phố.
Kính thưa quý vị,
Phát huy những kết quả đạt được thành phố sẽ cùng với các bộ ngành trung ương và các địa phương bạn tiếp tục đề xuất để triển khai các chính sách phù hợp nhằm góp phần tích cực và thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian tớ. Đây cũng chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón một làn sóng FDI xanh để đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố phát triển bền vững của chúng tôi".
MC: Ngay sau đây Diễn đàn sẽ bước vào Phiên thảo luận với các khách mời, đại diện các chủ thể đóng góp quan trọng vào quá trình thực thi và thúc đẩy thành công của chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển của Việt Nam. Trước khi mời quý vị diễn giả và khách mời tham gia Phiên thảo luận lên sân khấu, tôi xin kính mời quý vị cùng hướng lên màn hình, theo dõi một phóng sự dẫn đề của Ban tổ chức.
Chúng ta vừa cùng theo dõi một clip phóng sự, tóm lược về những vấn đề cốt lõi có liên quan đến chủ đề của Phiên thảo luận. Ngay sau đây, thay mặt Ban tổ chức, tôi trân trọng kính mời các Diễn giả tham gia Phiên thảo luận lên sân khấu.
Trân trọng kính mời:
- Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu;
- Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp;
- Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam;
- Ông John Jockhold, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham);
- Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc, Qualcomm Việt Nam – Lào – Campuchia;
- Ông Angus Liew, Tổng Giám đốc Gamuda Land (HCMC);
- Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ TN&MT;
- Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.
Trân trọng kính mời các diễn giả, khách mời có tên lên sân khấu. Và tôi cũng trân trọng kính mời:
- Madame Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Chủ tịch Deloitte Việt Nam;
- Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, sẽ cùng lên sân khấu để điều hành Phiên thảo luận, trân trọng kính mời.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam:
"Theo sự phân công của ban tổ chức, tôi là Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam và bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, sẽ giúp ban tổ chức điều hành phiên thảo luận.
Trong phần đầu, chúng ta đã nghe hai bài phát biểu quan trọng và là 2 tham luận, ý nghĩa, nhiều thông tin. Chúng ta cũng xem phóng sự đề dẫn cung cấp thông tin, nền tảng ban đầu để chuẩn bị đặt câu hỏi cho chủ đề hôm nay.
Nhiệm vụ trọng tâm của Diễn đàn hôm nay là bàn thảo các vấn đề cốt lõi và khả thi nhất trong bối cảnh Việt Nam để chúng ta thúc đẩy nhanh việc thực thi chuyển đổi xanh, chuyển đổi các hoạt động của nền kinh tế, kinh doanh, thương mại và hàng hóa của doanh nghieoe, làm sao để thay đổi cách thức và tư duy tiêu dùng của người dân. Đây là phiên thảo luận đòi hỏi sự tham gia của các diễn giả có nhiều thực tiễn. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp và địa phương, đại diện các hiệp hội quốc tế đại diện cho cộng đồng đang đầu tư tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong thực thi chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho các vấn đề đặt ra tại diễn đàn. Tôi xin mời bà Hà Thu Thanh phát biểu".
C, Chủ tịch Deloitte Việt Nam:
"Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển bền vững là chủ đề không mới và là xu thế tất yếu, là mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và từng quốc gia. Năm 2022 là năm tất cả các quốc gia nền kinh tế địa phương và doanh nghiệp Việt Nam vừa ứng phó với Covid-19, tiếp tục phục hồi và đảm bảo tăng trưởng. Câu chuyện về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển bền vững được đặt ra ưu tiên của các quốc gia 3 cấp độ: Quốc tế, quốc gia và địa phương doanh nghiệp.
Qua các nghị quyết của Đảng thì thấy đây là chiến lược được ưu tiên cao nhất để Chính phủ Việt Nam đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng. Cách tiếp cận của diễn đàn hôm nay là muốn tập trung vào góc độ về kinh tế. Bằng cách nào, nguồn lực nào để có thể giải bài toán đầu tư và đưa vào chiến lược hành động cho chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Khi nói về nguồn lực thì là nguồn lực nào, bên ngoài hay bên trong để chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế xanh? Và nguồn lực đó đang nằm ở đâu, cần huy động thế nào?".
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam:
"Vâng, thưa các quý khách mời, với chủ đề: "Giải pháp hội tụ các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", Diễn đàn đặt ra 4 nhóm vấn đề để các Diễn giả cùng thảo luận.
- Nhóm vấn đề thứ nhất: Chúng ta cùng đánh giá nhanh về cuộc đua/xu thế chuyển đổi xanh đang diễn ra và trở nên phổ biến như thế nào trên thế giới? và cơ hội từ chuyển đổi xanh với nền kinh tế Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp ra sao? Nhận định ngành kinh tế nào có xu hướng dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh;
- Nhóm vấn đề thứ 2: Chúng ta cùng thảo luận kế hoạch hành động chuyển đổi xanh ở Việt Nam (gồm cả cấp Chính phủ, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp) đang được triển khai như thế nào? trọng tâm là những điểm gì và kế hoạch chiến lược hiện trong thời gian tới sẽ ra sao?
- Nhóm vấn đề thứ 3: Nguồn lực gì và ở đâu để có thể thực hiện chuyển đổi xanh? Khả năng Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận thành công các nguồn lực hiện có và tới đây ra sao? để có thể giải bài toán đầu tư cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
- Nhóm vấn đề thứ 4: Cùng hiến kế những giải pháp tổng thể và cụ thể để Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp có thể thực hiện thành công hoạt động chuyển đổi xanh, đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong những năm tới, thập niên tới.
Và bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu với những ý kiến chia sẻ về nhóm vấn đề thứ nhất. Để đảm bảo hiệu quả, thời gian, tôi đề nghị mỗi ý kiến không quá 2 phút".
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), đồng Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của AmCham:
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu u (EuroCham) tại Việt Nam:
"Việt Nam là một quốc gia đầu tiên tuyên bố rất mạnh mẽ về mục tiêu môi trường, tôi cảm thấy rất tự hào. Hành trình xanh hóa nền kinh tế đã được nói đến từ 13 năm rồi. Bây giờ cần làm sao thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải năng lượng. Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng chúng ta còn nhiều việc phải làm. Dù Việt Nam không phải nước gây ô nhiễm nhất nhưng không thể không hành động ngay. Cần tận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước.
Chúng tôi có một số dự án để thúc đẩy mục tiêu Cacbon bằng 0. Hiện một nhà máy lớn là nhà máy sản xuất Lego tại Bình Dương đã đưa ra cam kết xây dựng 1 nhà máy lớn, không cacbon. Họ dùng điện áp mái và các nguồn năng lượng sạch".
Ông Angus Liew, Tổng Giám đốc Gamuda Land (HCMC):
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia:
"Chúng tôi hiểu rất rõ rằng chuyển đổi xanh là vấn đề lớn của xã hội và có ảnh hưởng lớn tới tất cả các quốc gia. Đây là vấn đề bức thiết cần cách tiếp cận khoa học. Là công ty công nghệ có hoạt động trên toàn cầu và chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình. Công nghệ là công cụ quan trọng để giúp các quốc gia và doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chúng tôi có cam kết thực hiện chuyển đổi xanh. Tại COP 26, cam kết tới 2030 giảm thải khí nhà kính và đạt mục tiêu netzero vào năm 2050. Chúng tôi có 3 chiến lược chính.
Thứ nhất, áp dụng tất cả biện pháp để giảm tiêu thụ tại tất cả cơ sở sản xuất của chúng tôi…
Thứ hai, chúng tôi làm việc với các nhà cung ứng để họ thực hiện chuyển đổi xanh có lộ trình.
Thứ ba, trong sản phẩm của mình, chúng tôi đưa mục tiêu giảm tiêu thụ điện cho các sản phẩm này. Ví dụ nền tảng chip của chúng tôi dùng trên smartphone và IoT. Một trong những hạ tầng quan trọng là 5G, mục tiêu giảm tiêu thụ và giảm chất thải ra môi trường. Hiện nay công nghệ 5G giúp giảm 20% giảm tiêu thụ và phát thải ra môi trường so với trước kia".
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam:
"Chúng ta có thể thấy rõ ràng Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đồng nghĩa nhiều cơ hội với nền kinh tế, Chính phủ cũng như doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, nỗ lực của mình Việt Nam đã chứng minh có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực như thời gian qua tiên phong phát triển năng lượng điện tái tạo, được bạn bè quốc tế công nhận. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng khi so sánh với bắc u về phát triển điện gió, điện mặt trời, nếu phát huy được mang lợi ích kinh tế lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng có tiềm năng tiết kiệm năng lượng nhưng việc này vẫn đòi hỏi nỗ lực nhiều ngành khác nhau để đóng góp quá trình chuyển đổi xanh.
Một điều nữa, mỗi doanh nghiệp cũng đều có trách nhiệm đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, quá trình này đòi hỏi nỗ lực nhiều đối tác khác nhau, Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp, người dân. Đây là thông điệp chính chúng tôi xin phép kết thúc chủ đề 1 để chuyển sang chủ đề 2".
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam:
"Doanh nghiệp không thể chuyển đổi xanh, môi trường tốt, Việt Nam làm thế nào làm điều này khi có chiến lược quốc gia 2021-2030, với việcViệt Nam cam kết, Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP26. Vấn đề hành động mạnh mẽ.
Về vấn đề này, tôi xin được mời ý kiến của đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường, cơ quan đang trực tiếp xây dựng kế hoạch hành động thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Xin mời ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Thưa ông, là bộ ngành chức năng và chịu trách nhiệm chính trong quản lý và giám sát thực thi các chính sách bảo vệ môi trường, phục vụ cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ông có thể cho biết Việt Nam đang triển khai kế hoạch hành động chuyển đổi xanh như thế nào? Và để thực thi các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Bộ đang xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào những điểm chính gì và lộ trình thực hiện ra sao?".
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường:
"Vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là huy động được nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm việc với các nhà tài trợ để tìm cách khơi thông nguồn lực này để chính phủ, doanh nghiệp tiếp cận, câu hỏi đặt ra là có cơ chế chính sách để khơi thông nguồn lực này. Tuy nhiên, đề xuất cần đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau", cân bằng thế hệ hôm nay và mai sau cũng như cân bằng giữa các vùng miền, khu vực công nghiệp phát thải nhiều phải trả tiền cho khu vực miền núi để giảm phát thải cacbon.
Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn, trong đó, theo quy định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường, cuối 2022 sẽ ban hành danh mục xanh, để doanh nghiệp thực hiện nhằm đạt tiêu chí xanh mới tiếp cận được nguồn trái phiếu xanh…
Hai là, cuối năm 2023 ban hành chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu dùng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt nguyên liệu hóa thạch, đảm bảo kéo dài vòng đời sản phẩm, không gây nguy hại cho môi trường. Các bộ ngành cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch chiến lược, của địa phương, còn doanh nghiệp cần lồng ghép vào chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thậm chí tái khai thác chất thải. Chính sách của Việt Nam đã quy định rất rõ, trong thời gian tới sẽ tập trung vào năng lượng, chất thải điện tử, giảm giải chất thải nhựa. đó là những ưu tiên hàng đầu".
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam:
"Cảm ơn ông Thọ. Trong phần chia sẻ của ông, chúng tôi thấy rằng sau khi Việt Nam cam kết, chúng ta có xu thế nhận được nhiều hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Vấn đề là làm thế nào để khai thông các nguồn tài trợ đó, để hỗ trợ cho kế hoạch tăng trưởng xanh. Ông có đề cập đến từ tài chính xanh. Từ góc độ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, Environment, Social, Governance (ESG), vấn đề là làm sao để quản trị được nguồn tài chính xanh, bao gồm cả trái phiếu xanh.
Để tiếp theo phần về tài chính, tôi muốn mời ông Nguyễn Như Quỳnh. Về kế hoạch tài chính và nguồn lực tài chính thực thi chiến lược chuyển đổi xanh đang được Bộ tài chính triển khai thế nào và việc triển khai hiện khác thế nào so với trước đây?".
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính:
"Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không phải chủ đề mới nhưng là chủ đề rất nóng và được đề cập nhiều. Về mặt chủ trương, nội dung này đã được đề cập nhiều tại Nghị quyết của Đảng, Trung ương. Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam.
Bộ Tài chính chúng tôi thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Về chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát ban hành để góp phần tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chính sách đề cập đến hai trụ cột.
Thứ nhất, hạn chế sản xuất hàng hóa bảo vệ môi trường, chúng tôi ban hành thuế bảo vệ môi trường một số mặt hàng kịch khung như: xăng, dầu diezen, nhờn, túi nilon, thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích phát triển ô tô điện thì được giảm từ 3 đến 12 điểm phần trăm xuống còn 1-3 điểm phần trăm. Có thể nói rằng chính sách thuế này góp phần hạn chế sản xuất sử dụng hàng hoá gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, chúng tôi cũng đề cập thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thuế về môi trường được bổ sung sửa đổi thúc đẩy tăng trưởng xanh phát triển bền vững.
Về chính sách chi, ưu tiên cho tăng trưởng xanh ngày càng hoàn thiện thông qua trình cơ quan thẩm quyền. Ví dụ, chi ngân sách bảo vệ môi trường thời gian qua mức bố trí không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách gồm cả Trung ương địa phương, chi cho khoa học phát triển công nghệ, các chương trình cấp quốc gia, các dự án nghiên cứu xử lý chất thải rắn... Bộ Tài chính là cơ quan làm chính sách và cân đối nguồn, ý thức rằng nguồn lực hạn chế cần sự đồng hành của xã hội, nhà tài trợ nước ngoài thì mới đạt mục tiêu đề ra.
Vừa rồi, các bộ cũng ưu tiên lồng ghép về mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu gắn tăng trưởng xanh. Huy động vốn nguồn lực, trái phiếu xanh, thị trường chứng khoán manh nha trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu địa phương phục vụ dự án như thuỷ lợi, môi trường.
Năm 2016, TP.HCM phát hành 503 tỷ đồng, 2018 được 3.000 tỷ đồng. Các địa phương chung tay góp sức thực hiện mục tiêu. Quan trọng, tuyên truyền ý thức người dân đồng hành với nhà nước cũng quan trọng. Đó là một số nội dung chúng tôi triển khai.
Thời gian tới, Chính phủ đã phê duyệt tài chính 2030, chúng tôi cân đối nguồn lực phát triển kinh tế đảm bảo tăng trưởng xanh phát triển bền vững ưu tiên ngân sách dự án bảo vệ môi trường, dự án chống biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Huy động vốn chứng khoán mong thời gian tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh để đầu tư dự án bảo vệ môi trường. Đó là nội dung muốn chia sẻ với hội nghị.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam:
"Cảm ơn ý kiến của ông Như Quỳnh. Rõ ràng chính sách ngành tài chính đóng góp quan trọng tăng trưởng xanh. Gần đây chúng ta nghe về thuế bảo vệ môi trường áp dụng tại Việt Nam, thông qua chính sách thuế, tuyên truyền đào tạo người dân, nguồn vốn ngân sách nhà nước là vốn mồi.
Thưa quý vị, việc nghiên cứu xem xét các lợi thế tự nhiên của từng quốc gia, từng địa phương, có khả năng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình chuyển đổi xanh. Về vấn đề này, tôi muốn đặt câu hỏi với một vị Tổng lãnh sự quán Indonesia đang tham dự diễn đàn.
Xin mời bộ phận thư ký diễn đàn chuyển Mic tới ông Agusta Viano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại Tp.HCM đang có mặt tại khán phòng.
Câu hỏi của chúng tôi liên quan tiềm năng, hành động Indonesia trước cơ hội, thách thức này. Thưa ông, Indonesia có tiềm năng sản xuất năng lượng xanh rất lớn với hệ thống sông dày đặc, hệ thống năng lượng biển, gió, mặt trời và năng lượng dòng chảy dưới biển. Với những tiềm năng này, Chính phủ Indonesia có định hướng và kế hoạch gì trong thời gian tới, đặc biệt là chiến lược sử dụng và kế hoạch ra sao để sử dụng, phát triển năng lượng xanh, để thực hiện cam kết của Indonesia tại COP 26 vừa qua.
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại thành phố Hồ Chí Minh:
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam:
"Thưa đại biểu tỉnh Bạc Liêu, từ đầu bà đã nghe rất nhiều ý kiến của các đại biểu về xu hướng chuyển đổi xanh, đại diện các bộ ngành cũng đã chia sẻ về kế hoạch hành động, chúng ta cũng nghe thêm ý kiến của đại diện Indo về tận dụng lợi thế cho phát triển xanh. Với bối cảnh của Việt Nam, cụ thể ở tỉnh Bạc Liêu, đại phương đã có những hành động cụ thể như thế nào để thúc đẩy chuyển đổi xanh?"
Bà Cao Xuân Thu Vân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:
"Nói về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh thì 70% dân số Bạc Liêu là nông dân họ có đồng tình không vì họ là đối tượng tác động. Do đó thay đổi tư duy hệ thống ko chỉ lãnh đạo mà người dân, tạo sức lan toả để người dân ủng hộ. Ví dụ, ngư dân Bạc Liêu sản xuất muối đóng gói nửa ký là 5 nghìn đồng bán ra thì với tư cách nhà quản lý phải nghĩ thế nào? tăng lên gấp 10 để bán được 50 nghìn đồng.
Chúng tôi chưa dừng lại đó, hiện nay có doanh nghiệp hợp tác với Pháp đưa nửa ký muối bán lên 200 nghìn đồng tăng 40 lần. Tôm trở thành trung tâm sản xuất nhưng dùng công nghệ cao, nước ít ảnh hưởng môi trường nhất, phải thay đổi công nghệ. Người dân sản xuất lúa tôm không dùng kháng sinh, doanh nghiệp đầu tư lớn hơn để đầu tư công nghệ cao. Mâu thuẫn giữa nông dân và nhà đầu tư không lớn. Nếu chỉ doanh nghiệp phát triển được mà người dân không phát triển thì mâu thuẫn khó quản lý.
Từ tư duy đó chúng tôi nghĩ phải hội tụ nguồn lực, đào tạo chất lượng cao. Nếu điện gió cần bảo dưỡng thì cần tăng cường đào tạo nhân lực để chuyển giao. Bạc Liêu thu thuế được vì đẩy nhanh được 8 dự án điện gió gần 500 MGW, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ. Ta thấy mình bàn về kinh tế, muốn phát triển bền vững có 3 trụ cột: kinh tế xã hội môi trường nhưng có câu chuyện trăn trở sao lại không có giáo dục, chúng ta phải làm cho đứa trẻ yêu quê mình, vì sao phải bảo vệ môi trường, phát triển xanh?
Chúng tôi thông qua mô hình đưa các em tham qua điện gió, ô sản xuất tôm, di tích gắn với sản xuất để các em yêu quê hương. Từ đó, nhiều em sau khi học xong quay về sản xuất tôm, phát triển mô hình du lịch sinh thái và thành công. Cho thấy không chỉ đi thành phố lớn mới thành đạt mà dùng kiến thức để quay về quê. Biết cách nâng chuỗi giá trị sản xuất đưa quê hương phát triển. Từng nơi phát triển xanh thì đất nước mới xanh được. Hội tụ nguồn nhân lực quan trọng.
Muốn làm được điều đó quy hoạch chung của mình phải thích ứng toàn bộ quy hoạch chung của các ngành, thuận với hiệp ước mình ký kết để thống nhất nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng đâu thì phát triển xanh đến đó để doanh nghiệp thấy thuận lợi phát triển dự án. Cuối cùng, ngân sách của mình nên quan tâm giáo dục, đưa nội dung ngay từ bây giờ để tạo thế hệ nhận thức, lúc này mới bền vững thật sự, đó là một số kiến nghị nhỏ bé của Bạc Liêu".
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam:
"Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp nói riêng cần đột phá thế nào cần chuyển đổi xanh, kế hoạch hành động chuyển đổi xanh đặt ra trong kế hoạch tổng thể?".
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:
"Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên chiếm 12% dân số 19% cả nước, sông ngòi chằng chịt, thuận lợi phát triển nông nghiệp nhưng tác động lớn biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thuỷ điện đầu nguồn tác động người dân, sản xuất. Đồng tháp 70% dân số sống bằng nghề nông, do đó tỉnh nhận thức được và ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bài bản làm sao tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, cho giảm phát thải khí nhà kính, làm sao đỡ tác động người sản xuất khi dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất, sản phẩm là ra sạch đáp ứng nhu cầu, xu thế người tiêu dùng trên thị trường.
Vấn đề cốt lõi là tỉnh thấy được, tái cơ cấu nông nghiệp cách đây 10 năm. Chúng tôi tận dụng nhiều nguồn lực tổ chức quốc tế trong phát triển bền vững sinh kế trong mùa lũ, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo mô hình để bà con tận dụng thế mạnh địa phương tận dụng mùa lũ, kết hợp sản xuất, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tăng thu nhập người dân. Xin cảm ơn tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện.
Đồng Tháp định hướng thời gian tới, trong quy hoạch tỉnh tích hợp vào để phát triển tốt hơn trong tăng trưởng xanh, đặc biệt Nghị quyết Đảng bộ tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp 2025, định hướng 2030 trong đó xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết chuyển đổi số của tỉnh xác định kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Chúng tôi lấy giáo dục, y tế nông nghiệp 3 mũi đột phá chuyển đổi số. Quan trọng, tái cơ cấu nông nghiệp bài bản hơn nhằm thực hiện quyết định về quy định phát triển nông nghiệp 2050 bền vững. Đối với Đồng Tháp cải tiến công nghệ để đưa vào sản xuất, đưa mục tiêu phát triển dài hạn. Tôi tin chiến lược phát triển Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tôi tin mục tiêu đó đạt được mục tiêu 2050".
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam:
"Mời quý vị xem qua một đoạn ý kiến của các chuyên gia từ ADB. Thưa quý vị, qua phát biểu của đại diện ADB, rõ ràng cơ hội để tiếp cận tài chính rất quan trọng. Bên cạnh các định chế tài chính lớn lớn tại Việt Nam, như ADB, WB, rõ ràng nguồn lực ODA cho tăng trưởng xanh rất quan trọng. Tiếp theo tôi xin mời bình luận của 2 đại diện Eurocham và Amcham.
Thứ nhất là ông John, đại diện Amcham, theo ông Việt Nam có khả năng huy động tài chính nhiều nhất cho lĩnh vực nào nhiều nhất? Ngoài lĩnh vực năng lượng như ta đề cập từ đầu diễn đàn, còn lĩnh vực nào khác không? Ngoài nguồn lực tài chính, theo quan sát của ông, những nguồn lực nào nữa cũng quan trọng để chuyển đổi xanh tại Việt Nam? Từ nguồn lực nhân lực cho tới lãnh đạo…
Ông John Jockhold, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham):
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam
Trước khi TS. Lê Duy Bình đưa ta vào phần cuối, nhiều ý kiến cho rằng, làm thế nào giải thông nguồn vốn cả kể ODA, vốn vay khác, xin hỏi chốt phần thứ 3. Về phía Bộ Tài chính, thưa ông Quỳnh, ông chia sẻ rõ hơn liên quan tài chính tăng trưởng xanh vừa được Chính phủ phê duyệt, nguồn này dùng thế nào?".
Ông Nguyễn Như Quỳnh:
"Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược phát triển tài chính, chiến lược tài chính đến năm 2030, mục tiêu là cũng ưu tiên phát triển được tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Như tôi đã nói, về cơ cơ cấu nguồn lực Chính phủ cũng đã lồng ghép trong chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm nguồn nguồn vốn từ ngân sách thì như tôi cũng đã báo cáo thì cũng thực sự là cũng không đủ để bao quát được hết tất cả những chi phí để phát triển bền vững. Hầu như là phát phát triển bền vững cũng như là tăng tăng trưởng xanh cũng cần phải có sự hỗ trợ đóng đóng góp từ xã hội cũng như là của các nhà tài trợ các vốn vay.
Về phía Bộ tài chính, luôn luôn ý thức rằng đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cũng luôn luôn ưu tiên cái giành nguồn lực để mà phục vụ cho mục tiêu này".
Ông Lê Duy Bình:
"Chiều nay, ta đã có một thông điệp chính từ các diễn giả. Quá trình chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu là xu thể không thể đảo ngược, mang lại nhiều thách thức nhưng cũng cả cơ hội về phát triển đất nước, mang lại một nền kinh tế thịnh vượng hơn và tươi đẹp hơn bền vững hơn về môi trường.
Cam kết của Đảng và Nhà nước rất mạnh mẽ, thể hiện qua các chương trình hành động, các nghị quyết. Chính phủ và các bộ ngành đã có các hành động, cả liên ngành lẫn đơn lẻ.
Ở địa phương cũng có các kế hoạch cụ thể, lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế địa phương… Chúng ta cũng đã nghe những chương trình hành động ở cấp độ doanh nghiệp, người dân. Thể chế nào, doanh nghiệp sẽ như vậy. Hành động của chính phủ sẽ chuyển tải tới doanh nghiệp, người tiêu dùng thế nào thì doanh nghiệp sẽ như vậy.
Trên cơ sở đó, ta cũng thấy rằng có nhiều ý kiến như của chị Vân ở Bạc Liêu rằng chúng ta không thể chờ đợi nữa, phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Đất nước không thể hoàn toàn tươi đẹp nếu một địa phương vẫn màu nâu, một địa phương không thể đẹp nếu một cụm doanh nghiệp vẫn màu nâu. Tôi xin nhắc lại lời của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc ở đầu diễn đàn rằng “Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”.
Tôi xin kết thúc buổi tọa đàm hôm nay".
Bài phát biểu bế mạc Diễn đàn của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc:
"Kính thưa quý vị đại biểu,
Tôi rất vui mừng thấy rằng sau hơn 3 giờ maraton thảo luận sôi nổi thực sự hiệu quả với nhiều ý kiến, đề xuất, gợi mở giá trị, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2022 với chủ đề: “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” đã thành công tốt đẹp.
Theo tôi thấy, các đại biểu vẫn đang dẫn say sưa, sẵn sàng thảo luận thêm 3 giờ nữa. Tôi tin tưởng rằng, những chia sẻ sâu sắc, thiết thực và bổ ích của quý vị tại Diễn đàn này sẽ giúp các Bộ, ngành của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và các địa phương trong triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo hướng xanh, bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện các mục tiêu và cam kết này, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các địa phương, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để thực hiện tầm nhìn về phát triển đất nước, đồng thời chung tay góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng trên toàn thế giới và bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Với phương châm xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao dành ưu tiên cao, tập trung cho hoạt động ngoại giao kinh tế, trong thời gian tới cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế của các địa phương, phục vụ sự phát triển chung của cả các địa phương và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong nhiều ngày qua, để đưa ý tưởng tốt đẹp chung của chúng ta thành hiện thực, tổ chức thành công Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam lần thứ hai. Với thành công này, chúng ta tin tưởng Diễn đàn này sẽ được tổ chức thường niên trong những năm tới đây để tạo thêm một nhịp cầu cho các địa phương, doanh nghiệp kết nối với các Đại sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Xin chân thành cảm ơn các quý vị Lãnh đạo Bộ, ngành, các lãnh đạo các địa phương đã đến tham dự rất đông đủ, góp phần làm nên thành công của Diễn đàn ngày hôm nay.
Xin cám ơn các vị Tổng lạnh sự, đại diện các Cơ quan Ngoại giao, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội nghị và có những đóng góp quý báu với Diễn đàn.
Đặc biệt xin cảm ơn quý vị đã tham gia phiên thảo luận và đối thoại trực tiếp.
Cảm ơn chị Hà Thu Thanh, anh Lê Duy Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn dắt Diễn đàn.
Xin chúc toàn thể quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!"