Nhằm thích nghi với hoàn cảnh này, một số thương hiệu xa xỉ đang tập trung vào các khu vực có lượng người tiêu dùng xa xỉ mới nổi và chưa được khai thác. Bà Anusha Coutticane, Trưởng phòng Tư vấn tại Vogue Business, gọi những thị trường này là “cửa ngõ mới của thế giới xa xỉ”.
Trong đó, 3 thị trường tiềm năng được các chuyên gia đánh giá cao là Brazil, Trung Đông và Hàn Quốc. Động lực tài chính cho các thương hiệu ở những khu vực này là túi xách, giày dép, trang sức và đồng hồ, những mặt hàng thường được mua đầu tiên bởi những người tiêu dùng mới nổi đang quan tâm đến hàng xa xỉ. Bà Coutticane cho biết, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và Arab Saudi có cộng đồng người nước ngoài mạnh mẽ với sức mua ấn tượng. 2% công dân Qatar là triệu phú, dẫn đầu về mức độ giàu có so với Kuwait, UAE và Arab Saudi.
Tuy nhiên, những thương hiệu xa xỉ quan tâm đến việc mở rộng ở Trung Đông nên tránh sai lầm phổ biến là coi Trung Đông như một khối hay một thị trường chung. Việc chia nhỏ các khu vực là rất quan trọng. Cũng cần lưu ý rằng mua sắm ở Trung Đông là một hoạt động mang tính xã hội và việc quảng bá thương hiệu thường dựa vào truyền miệng hơn là truyền thông xã hội hoặc các kênh lâu đời khác, theo Vogue Business.
Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), quy mô thị trường hàng xa xỉ ở Trung Đông, ước tính gần 15 tỷ euro vào năm 2023, có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, lên 30 - 35 tỷ euro. "Trung Đông là một thị trường rất thú vị đối với chúng tôi và là thị trường mà chúng tôi đã chú ý trong nhiều năm, đặc biệt là ở Arab Saudi. Đây là một khu vực sôi động với nền kinh tế và động lực kinh doanh mạnh mẽ cũng như một nền văn hóa cổ xưa cùng sự tập trung đông đảo người trẻ, điều này mang lại cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi và cho toàn bộ ngành”, công ty giải thích.
Theo các chuyên gia, quy mô thị trường xa xỉ tại Arab Saudi đạt 8,3 tỉ USD vào năm 2022 và tập đoàn IMARC dự đoán thị trường quốc gia này sẽ chạm mốc 15,8 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm 11,6%. Hiện nhiều thương hiệu cao cấp quốc tế, như: Gucci, Louis Vuitton, Chanel…đều mở cửa hàng ở quốc gia này, trong khi Prada, Tiffany, Mulberry… đang mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ tại đây.
Hind Ali, Cố vấn cấp cao của Euromonitor International Dubai, đánh giá Arab Saudi đang mở rộng nhiều cơ sở hạ tầng giải trí, vui chơi và bán lẻ. Ðiều đó góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm xa xỉ phẩm. Chớp lấy cơ hội, thương hiệu Dolce & Gabbana đã hiện diện chủ yếu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, với các cửa hàng ở Dubai và Abu Dhabi, và có tổng cộng 46 điểm bán hàng trên khắp Trung Đông.
Công ty đang đặc biệt tập trung vào Arab Saudi, nơi họ đã có bốn cửa hàng, trong đó có hai cửa hàng ở Jeddah và hai cửa hàng ở Riyadh - khu sang trọng mới của thủ đô. Tại đây, hợp tác với công ty địa phương Sela, Dolce & Gabbana vừa khánh thành một cửa hàng lớn cung cấp các bộ sưu tập nam và nữ, từ quần áo may sẵn đến phụ kiện, với các khu vực dành riêng cho các danh mục sản phẩm mới ra mắt trong những năm gần đây, như đồ gia dụng và đồ nội thất cũng như các mặt hàng từ dòng sản phẩm nước hoa và làm đẹp của hãng.
Ngoài ra, ở Diriyah, đặc biệt là gần Di sản Thế giới At-Turaif được UNESCO công nhận, khu phức hợp Bujairi Terrace đang được xây dựng, với các nhà hàng, khách sạn lớn và cửa hàng. Đây chính là đích đến mà Dolce & Gabbana đang hướng tới. Công ty vừa công bố hợp tác với nhà phát triển địa phương Diriyah Gate Company để phát triển một tòa nhà rộng 2.000 mét vuông.
"Không gian sáng tạo này sẽ được khánh thành vào cuối năm nay, quy tụ những linh hồn khác nhau của thương hiệu, mang đến cho du khách trải nghiệm 360° về vũ trụ Dolce & Gabbana: từ quần áo may sẵn đến phụ kiện, từ trang sức đến làm đẹp. Ở trung tâm của không gian còn có Dolce & Gabbana Café để khách hàng trải nghiệm ẩm thực Ý," thương hiệu cho biết.
Những năm gần đây, hai nhà thiết kế Domenico Dolce và Stefano Gabbana cho cung cấp các bộ sưu tập "thời trang khiêm tốn" trong phạm vi của họ, bao gồm abayas, khăn trùm đầu, khăn quàng cổ và phụ kiện nhắm đến khách hàng ở vùng Vịnh. Ngoài ra họ còn có kế hoạch phát triển một dự án khách sạn tại chỗ. Dolce & Gabbana đã khởi động hai dự án khu dân cư lớn ở Marbella, Tây Ban Nha, với Sierra Blanca Estates và ở Miami, Hoa Kỳ, với JDS Development Group, cũng như một dự án khách sạn ở Maldives với nhà phát triển bất động sản DarGlobal của Arab Saudi, trong đó sẽ có thêm Bujairi Terrace ở Diriyah.
Trước đó, hồi cuối năm 2023, NTK Giorgio Armani, chủ nhân thương hiệu Ý cùng tên, cho biết: “Thị trường Dubai cực kỳ quan trọng và sự hiện diện của các thương hiệu xa xỉ ở đây chắc chắn sẽ khiến khu vực Trung Đông trở thành cái nôi xa xỉ của thế giới mới”.
Khalid Al Tayer, Giám đốc điều hành của công ty bán lẻ trực tuyến đa thương hiệu xa xỉ Ounass, công ty vận hành liên doanh với các thương hiệu bao gồm Gucci và Saint Laurent, cũng lạc quan không kém. “Nếu bạn đang tìm cách tận dụng sự phục hồi của bán lẻ du lịch thì không thành phố nào hấp dẫn hơn Dubai trong thời điểm này”.
Theo các chuyên gia trong ngành thời trang, theo nghĩa đen, Trung Đông là trung tâm của thương mại dệt may toàn cầu trong nhiều thế kỷ, là một ngã tư giữa phương Đông và phương Tây. Đó là một điểm then chốt trên các tuyến đường thương mại “Con đường tơ lụa”, với hàng dệt may được vận chuyển qua lại giữa châu Âu và châu Á. Sự kết hợp những ảnh hưởng toàn cầu với truyền thống văn hóa của riêng khu vực khiến Trung Đông trở thành nơi hội tụ của các thương hiệu và nghệ nhân trong lĩnh vực thời trang.
Những năm gần đây, Arab Saudi cũng đã thành lập Ủy ban Thời trang (thuộc Bộ Văn hóa), cam kết phát triển ngành công nghiệp thời trang đi kèm với bảo vệ di sản thủ công truyền thống của mình. Trong khi đó, Hội chợ World Expo Dubai hàng năm là một sự kiện hoành tráng quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ toàn cầu như Chanel và Giorgio Armani, những người sẽ phải tận dụng sự giàu có vùng Vịnh để thu hút và lôi kéo khách hàng trong thời gian tới.