Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) ngày 3/8/2023 đã thông báo nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu số 4.6 “ Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác ” của Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Gói thầu số 4.6 có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành, sau gói 5.10 trị giá 35.000 tỷ.
Gói thầu 4.6 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác.
Nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không ACC – TCT Xây dựng Trường Sơn – Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) – CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam – CTCP Tập đoàn Cienco4 – CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.
Trong đó, 2 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là Vinaconex (VCG) và Cienco 4 (C4G).
Báo cáo tài chính quý 2/2023 của Cienco 4 cho thấy, tổng cộng tài sản tính đến cuối tháng 6 đạt 9.639 tỷ đồng trong đó tài sản ngắn hạn là 5.673 tỷ đồng chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn, tiền mặt chiếm rất ít chỉ vỏn vẹn 713 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn 3.866 tỷ đồng hoàn toàn không được Cienco 4 thuyết minh chi tiết trong đó phải thu về cho vay ngắn hạn 1.584 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn của khách hàng 837 tỷ đồng và trả trước cho người bán ngắn hạn 822 tỷ đồng.
Nợ phải trả hiện đang gần 6.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính 3.299 tỷ đồng chiếm 55,6% tổng nợ phải trả.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 2/2023 ghi nhận giảm mạnh còn 621 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 113 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu hợp đồng xây dựng 483 tỷ đồng, bán vật tư 37 tỷ đồng, doanh thu thu phí BOT là 72 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí lãi vay tăng mạnh dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm còn 42 tỷ đồng, năm ngoái là 55 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí phát sinh, Cienco 4 báo lãi 36 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Cienco 4 đầu tư vào 3 công ty liên doanh để làm đường theo đối tác công tư BOT. Ba doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh, Công ty TNHH Hai thành viên BOT Quốc lộ 1A Cienco 4 - TCT319; Công ty TNHH BOT Thái Nguyên Chợ Mới.
Đối với riêng Dự án BOT Cầu Yên Lệnh qua thành phố Hưng Yên, Cienco 4 đầu tư 38 tỷ đồng chiếm 30% vốn góp nhưng đến nay mới thu hồi được 23,8 tỷ đồng vốn đầu tư. Đây là dự án BOT trong năm 2018, từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm và buộc phải điều chỉnh giảm giá vé và thời gian thu giá từ 15 năm xuống còn 7 năm 5 tháng 14 ngày.
Cũng giống như Cienco 4, trước đó, Vinaconex cũng báo lãi giảm. Báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2/2023 của Vinaconex đạt 4.566 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán còn tăng gấp ba dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ còn 430 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao.
Đặc biệt, trong khi Vinaconex còn ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết lên tới 12,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi nhẹ. Dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm ngoái còn 163 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, VCG báo lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.531 tỷ đồng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với con số đạt được của năm 2022 là 654 tỷ đồng.
Tổng cộng nguồn vốn của VCG tính đến thời điểm cuối tháng 6 là 31.409 tỷ đồng giảm nhẹ so với con số đầu năm. Trong đó, nợ phải trả giảm từ 22.068 tỷ đồng xuống còn 21.454 tỷ đồng chủ yếu do người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm, phải trả người bán ngắn hạn giảm. Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 7.291 tỷ đồng; trong khi đó; vay nợ tài chính dài hạn giảm từ 8.168 tỷ đồng xuống còn 6.058 tỷ đồng.
Ở bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của VCG dương 931 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái còn âm hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu do hàng tồn kho lớn.
Vinaconex có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.118 tỷ đồng trong đó Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh giá gốc là 651 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư mất trắng khi giá trị có thể thu hồi bằng 0. Ngoài ra, 580 tỷ đồng tại các đối tượng khác giá trị có thể thu hồi chỉ còn 118 tỷ đồng.