Trung Quốc cảnh báo hàng nghìn quan chức ở Hàng Châu - thành phố nơi đặt trụ sở nhiều công ty công nghệ nổi tiếng như hãng thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Đi kèm cảnh báo là yêu cầu xoá bỏ bất kỳ “xung đột lợi ích” nào mà các quan chức hay người thân của họ đang có với doanh nghiệp.
Theo tờ Financial Times, tuyên bố trên được đăng tải trên website của Uỷ ban Thanh tra kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào ngày 23/8. Tuyên bố được đưa ra hai ngày sau khi Bí thư thành uỷ Hàng Châu Zhou Jiangyong bị bắt tạm giam vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật” - cụm từ thường được dùng để chỉ cáo buộc tham nhũng đối với quan chức Trung Quốc.
Tuyên bố của CCDI không liên hệ cuộc điều tra ông Zhou với bất kỳ doanh nghiệp hay doanh nhân cụ thể nào. Tuy nhiên, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ, trong đó Bắc Kinh triển khai một loạt biện pháp nhằm hạn chế bớt sức mạnh của những doanh nghiệp vào hàng lớn mạnh nhất nước này.
CCDI cho biết 25.000 quan chức địa phương và người thân của họ là trọng tâm trong đợt “tự kiểm điểm và tự sửa sai” trong vấn đề quan hệ với doanh nghiệp tại địa phương, bao gồm hành vi “vay mượn bất hợp pháp”. Cơ quan chức năng có thể điều tra cả những quan chức đã về hưu trong vòng 3 năm trở lại đây.
Mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp ở Hàng Châu đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc để ý sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 37 tỷ USD của Ant Group, công ty công nghệ tài chính thuộc Alibaba, bị đình chỉ vào phút chót hồi năm ngoái.
CCDI nói thêm rằng các quan chức Hàng Châu sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của người thân, cho dù cá nhân họ không tham gia vào những hoạt động đó.
Theo quy định mới của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, các quan chức cấp cao không được quản lý những ngành, lĩnh vực trong đó có doanh nghiệp do vợ, con họ điều hành. Tuy nhiên, họ có thể đảm nhiệm công việc như vậy nếu người thân trực tiếp trong gia đình làm ở những vị trí thấp hơn trong doanh nghiệp hoặc chỉ giữ vai trò “cố vấn” doanh nghiệp.
Ông Zhou trở thành Bí thư Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, cách đây 3 năm và đã có nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tại địa phương.
“Chính quyền Hàng Châu cam kết bảo vệ doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ bình thường giữa chính quyền với doanh nghiệp không thể chuyển thành lợi ích cho quan chức, chứ đừng nói đến chuyện cho phép doanh nghiệp thao túng chính trị”, ông Li Chengdong, nhà sáng lập của Dolphin, một tổ chức nghiên cứu chuyên về lĩnh vực công nghệ có trụ sở ở Bắc Kinh, nhận định.
Vụ IPO của Ant Group lẽ ra đã trở thành vụ phát hành cổ phiếu lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Đích thân ông Tập đã ra quyết định đình chỉ vụ IPO này, chỉ vài ngày sau khi Jack Ma công khai chỉ trích các cơ quan giám sát tài chính và hệ thống ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Giới quan sát quốc tế bình luận rằng những lời chỉ trích đó của Jack Ma là pha “sảy miệng” để đời của vị tỷ phú công nghệ.
Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh chiến dịch siết kiểm soát đối với các công ty công nghệ lớn của nước này, tập trung vào các vấn đề như độc quyền, thao túng thị trường, dữ liệu người dùng… của các “ông lớn” như Alibaba, Tencent, Meituan, Didi… Hồi tháng 4, Alibaba bị cơ quan chức năng Trung Quốc phạt 2,8 tỷ USD vì cáo buộc độc quyền.
Gần đây, chiến dịch nói trên còn được mở rộng để giải quyết những “vấn đề xã hội” trong một số lĩnh vực như giáo dục tư nhân, trò chơi video… Ngoài ra, Bắc Kinh còn đề ra chủ trương “thịnh vượng chung” nhằm phân phối lại của cải, tránh tình trạng tập trung thu nhập quá mức vào một nhóm ít người.