Theo báo The Telegraph của Anh, việc Bắc Kinh thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Kim Jong Un đã được thể hiện trong những bản kế hoạch bí mật về bắt giữ các nhà lãnh đạo chủ chốt của Triều Tiên, thiết lập các trại tị nạn ở biên giới và phản ứng trước “các lực lượng từ bên ngoài”.
Tờ báo trên cho biết, Trung Quốc đã âm thầm vạch ra những kế hoạch nhằm phòng ngừa trước cho sự sụp đổ của Chính phủ Triều Tiên. Điều này cho thấy, Bắc Kinh không có nhiều niềm tin vào sự tồn tại lâu dài của chính quyền Kim Jong Un.
Các tài liệu được soạn thảo bởi quân đội Trung Quốc đã bị rò rỉ và báo giới Nhật Bản thu thập được bao gồm các đề xuất về bắt giữ các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Triều Tiên, thành lập các trại tị nạn trên lãnh thổ Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên trong trường hợp bùng phát bất ổn dân sự ở quốc gia này.
Các tài liệu trên cũng kêu gọi tăng cường giám sát đường biên giới dài 879 dặm giữa Trung Quốc với Triều Tiên. Theo các tài liệu này, bất kỳ một quan chức quân sự cấp cao hay lãnh đạo chính trị nào của Triều Tiên là mục tiêu của phe cánh đối lập hoặc một “cường quốc quân sự” khác (được cho là Mỹ) sẽ được bảo vệ.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, tài liệu rò rỉ từ Trung Quốc nói rằng, các nhà lãnh đạo của Triều Tiên nên được giam giữ ở những trại đặc biệt nơi họ sẽ chịu sự giám sát và không thể trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch quân sự hay tham gia vào những hành động có thể gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Bản báo cáo cho rằng, “các lực lượng từ bên ngoài” có thể tham gia vào một sự kiện dẫn tới sự sụp đổ kiểm soát từ bên trong ở Triều Tiên, dẫn tới việc hàng triệu người muốn rời bỏ quốc gia này. Con đường duy nhất để đi tới an toàn mà phần đông những người này có là vượt biên giới sang Trung Quốc. Trung Quốc có dự định sẽ thẩm vấn những người mới đến, xác định danh tính của họ và sẽ từ chối những người bị xem là nguy hiểm và không phù hợp để tị nạn.
“Điều này nhấn mạnh, tất cả các quốc gia có lợi ích trong sự bình ổn ở khu vực Đông Bắc Á cần đối thoại với nhau”, học giả Jun Okumura thuộc Viện các vấn đề toàn cầu Meiji của Nhật Bản, nói với The Telegraph. “Sự sụp đổ của những chế độ như ở Triều Tiên có thể rất nhanh và mạnh. Đó là lý do vì sao phải có các kế hoạch dự phòng và tôi tin chắc rằng Mỹ và Hàn Quốc cũng đều đã có những kế hoạch như vậy trong tay. Tuy nhiên, việc kế hoạch của Trung Quốc bị lộ là hoàn toàn mới”.
Ông Okumura tin rằng, thời điểm tài liệu của Trung Quốc bị rò rỉ là rất quan trọng, vì Trung Quốc được cho là đã có kế hoạch như vậy từ hai thập kỷ trước.
Tài liệu trên rò rỉ chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh đưa ra cảnh báo với Bình Nhưỡng về khả năng tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ tư rằng, Trung Quốc sẽ “không cho phép chiến tranh hay bất ổn xảy ra ở bên cạnh mình”.
Là nước duy nhất còn lại ủng hộ Triều Tiên, Trung Quốc đã từ chối xuất khẩu dầu thô qua biên giới sang Triều Tiên trong 3 tháng đầu năm nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate