Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Nga bảo vệ tỷ giá đồng Rúp mà không phải tiêu đến dự trữ ngoại hối nếu Tổng thống Vladimir Putin cần - theo hãng tin Bloomberg.
Trong một sự kiện ở Bangkok, Thái Lan hôm 20/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sẽ giúp Nga nếu Nga cần, đồng thời bày tỏ tin tưởng nước Nga sẽ vượt qua được những khó khăn kinh tế hiện nay. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng thì nói việc mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa đồng Rúp và Nhân dân tệ và tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại song phương sẽ giúp ích nhiều cho Nga.
Các phát biểu trên được kênh Phonenix TV của Hồng Kông ghi lại và phát sóng hôm qua (22/12).
Dù mới chỉ là đề xuất, tuyên bố trên của hai Bộ trưởng Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thị trường tài chính. Đồng Rúp tăng giá 3,1% tính đến đầu giờ chiều qua theo giờ Moscow, trong khi lợi suất trái phiếu Nga kỳ hạn 10 năm giảm 0,3 điểm phần trăm, còn 13,3%.
“Trong tình hình hiện nay, bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng đều được chào đón”, chiến lược gia Vladimir Miklashevsky thuộc Danske Bank nhận xét. Tuy vậy, theo ông Miklashevsky nói rằng, đề xuất giúp đỡ của Trung Quốc sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Nga do lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Gần đây, đồng Rúp Nga có thời điểm mất giá tới 59% so với đầu năm do tác động kép từ lệnh trừng phạt và sự lao dốc của giá dầu. Tờ báo Vedomosti hôm qua cho biết, tuần trước, Tổng thống Putin đã yêu cầu giới lãnh đạo doanh nghiệp của nước này báo cáo về kế hoạch bán ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu và tham gia vào thị trường ngoại tệ một cách có trách nhiệm.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Kudrin nói, nước này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước này cần áp dụng “chính sách ngoại giao nước lớn” khi vạch ra những mục tiêu nhằm tăng cường vị thế quốc gia với tư cách nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Nhiều người Trung Quốc vẫn xem Nga là một người anh em lớn và hai nước giữ vai trò chiến lược đối với nhau. Vì lợi ích quốc gia, Trung Quốc nên tăng cường hợp tác với Nga khi sự hợp tác đó là cần thiết”, giáo sư Jing Canrong thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận xét.
Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ thời hạn 3 năm trị giá 150 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 24 tỷ USD. Thỏa thuận này có thể được mở rộng nếu hai bên nhất trí. Theo thỏa thuận này, Nga có thể dùng Rúp để đổi lấy Nhân dân tệ và trả lại sau đó bằng Nhân dân tệ.
Nhằm mục tiêu đưa đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền quốc tế, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tương tự với 28 quốc gia. Hiện Trung Quốc nắm dự trữ ngoại hối 3,89 nghìn tỷ USD, lớn nhất thế giới, so với mức dự trữ khoảng hơn 400 tỷ USD của Nga.
Một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm qua nói: “Nga là một đối tác chiến lược không thể thay thế trên trường quốc tế. Trung Quốc cần có quan điểm tích cực trong việc giúp Nga thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”. Tuy vậy, bài báo cũng nói “sự giúp đỡ của Trung Quốc dành cho Nga sẽ giới hạn”, vì Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ vốn, kỹ thuật và thị trường, nhưng không thể giải quyết các vấn đề về cơ cấu nền kinh tế và sự phụ thuộc mạnh mẽ của Nga vào xuất khẩu năng lượng.
Hôm 20/12, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói Nga hiện không đàm phán với Trung Quốc về hỗ trợ tài chính.
Nếu Moscow được Bắc Kinh giúp thì Nga không phải là quốc gia đầu tiên gặp rắc rối tài chính được Trung Quốc hỗ trợ trong năm nay. Quốc gia Nam Mỹ Argentina đã phải sử dụng tới thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc để “hãm phanh” đồng Peso của nước này sau khi Chính phủ Argentina mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Theo giới phân tích, một động thái tương tự của Nga cũng có thể sẽ giúp tỷ giá đồng Rúp ổn định trở lại.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate