January 07, 2016 | 16:31 GMT+7

Trung Quốc “đe” Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch

An Huy

Báo chí Trung Quốc cho thấy quan điểm quan hệ Trung-Triều sẽ xấu đi sau vụ thử bom

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.<br>
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.<br>
Trung Quốc - đồng minh duy nhất của Triều Tiên - đưa ra những lời khuyên có phần cứng rắn cho Bình Nhưỡng sau thông tin về vụ thử bom nhiệt hạch ngày 6/1: hãy trưởng thành hơn, vì vũ khí hạt nhân đã hoàn toàn lỗi thời.

Theo hãng tin CNBC, ngay sau khi Triều Tiên chính thức công bố đã tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom hydro hoặc bom H, đầu tiên của nước này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích vụ thử. Bắc Kinh cũng nói họ không hề được thông báo trước về kế hoạch thử bom của Triều Tiên.

Tiếp đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng một loạt bài xã luận có nội dung mang tính răn đe đối với Triều Tiên.

“Tất cả những gì mà thứ vũ khí hạt nhân đó cho thấy là một tinh thần đã lỗi thời mà không phù hợp với thế giới toàn cầu hóa”, một bài đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu có đoạn viết.

“Nếu Bình Nhưỡng quyết tâm phát triển nền kinh tế của mình, thì họ nên hòa nhập với thế giới bên ngoài, bao gồm phương Tây. Vũ khí hạt nhân không phải là giải pháp cho những khó khăn trong nước”, bài báo đưa ra lời khuyên.

“Vụ thử hạt nhân mới này may chăng chỉ có thể gây cảm hứng cho Triều Tiên trong một thời gian ngắn. Nhưng vụ thử sẽ dẫn tới sức ép lớn hơn từ Liên hiệp quốc và thêm lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Môi trường quốc tế đối với Triều Tiên sẽ xấu đi, và các lực lượng bên trong cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên sẽ bị hạn chế”.

Trong cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của bộ này nói Bắc Kinh không hề biết trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, đồng thời khẳng định Trung Quốc phản đối mạnh hành động của Bình Nhưỡng.

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu cũng nhấn mạnh việc Mỹ là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. “Mỹ có thể không muốn tấn công quân sự Triều Tiên, nhưng họ rất giỏi trong việc gây khó khăn cho các nước đang phát triển bằng cách chia rẽ sự gắn kết hoặc tạo mầm mống cho các cuộc cách mạng màu sắc”, bài báo viết.

Một bài viết trên tờ China Daily cảnh báo Trung Quốc “không nên chịu gánh nặng từ thế bế tắc” trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Các bài báo đăng trên báo chí Trung Quốc về vấn đề này đều cho thấy quan điểm rằng quan hệ Trung-Triều sẽ xấu đi sau vụ thử bom nhiệt hạch.

“Nếu Triều Tiên tiếp tục những vụ thử như vậy, thì điều đó sẽ gây mất ổn định xã hội ở một số khu vực của Trung Quốc, đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ Trung Quốc. Bình Nhưỡng cần phải cân nhắc ảnh hưởng tiêu cực dài hạn đối với quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng và sự phát triển của chính họ”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Nhưng “sẽ là rất sai lầm nếu Mỹ nghĩ họ có thể đứng ngoài cuộc và lợi dụng mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Triều Tiên”, tờ China Daily viết.

Trước đó, một bài viết của hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói rằng vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên là đi ngược lại mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân và bất kỳ hành động nào gây mất ổn định ở khu vực Đông Bắc Á là điều “không ai mong muốn và thiếu sáng suốt”.

Về phần mình, Hàn Quốc tỏ ra đặc biệt lo ngại sau vụ thử bom mới nhất của Triều Tiên. Ngày 7/1, một quan chức quân đội Hàn Quốc tiết lộ với hãng tin Reuters  rằng nước này đang đàm phán với Mỹ về triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ và các chuyên gia vũ khí thì nghi ngờ rằng thiết bị mà Triều Tiên vừa thử không hiện đại như những gì mà Bình Nhưỡng tuyên bố, bởi cường độ của vụ nổ cũng chỉ ngang với ba vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên vào các năm 2006, 2009 và 2013. Tuy vậy, Mỹ kêu gọi tăng cường trừng phạt Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tuyên bố sẽ ngay lập tức cân nhắc các biện pháp mới đối với Triều Tiên. Các nhà ngoại giao nói rằng điều này có thể đồng nghĩa với việc mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, cho dù các cường quốc lớn có thể không đồng tình với việc tấn công kinh tế toàn diện nhằm vào Triều Tiên.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate