Trung Quốc hôm qua (4/5) hối thúc Philippines dừng “sự thổi phồng có hại và gây hấn” về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố này nhằm phản bác việc Philippines cho rằng Bắc Kinh xây đảo trên biển Đông là vi phạm tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết vào năm 2002.
Bà Hoa Xuân Oánh nói, nguyên nhân chính dẫn tới tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông là việc Manila “chiếm giữ bất hợp pháp” một số hòn đảo “của Trung Quốc” từ năm 1970 và xây dựng nhiều cơ sở quân sự và dân sự trên các hòn đảo này trong nhiều năm qua.
“Chính Philippines mới là bên vi phạm DOC”, bà Hoa Xuân Oánh nói, đồng thời thúc giục Philippines dừng hoạt động xây dựng trên các hòn đảo “của Trung Quốc”.
“Trung Quốc chưa bao giờ và không bao giờ có những hành động có thể làm phức tạp thêm các tranh chấp hay ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”, theo lời bà Hoa Xuân Oánh.
Phát ngôn viên này đề nghị Philippines “dừng gây hấn” và hợp tác với Trung Quốc và “phần lớn các nước” thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây đảo nhân tạo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông. Hình ảnh chụp từ vệ tinh được công bố hồi giữa tháng 4 cho thấy Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp để mở rộng hai đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việc mở rộng đảo này diễn ra song song với việc Trung Quốc xây 7 hòn đảo nhân tạo mới ở Trường Sa.
Hôm 16/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố, Việt Nam khẳng định mọi hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị.
Tuần trước, giới chức Trung Quốc lên tiếng “mời” Mỹ sử dụng các hòn đảo có tranh chấp trên biển Đông cho hoạt động cứu hộ quốc tế, nhưng phía Mỹ thẳng thừng từ chối.
Theo tờ China Daily, ông Yun Zhuo, Giám đốc Ủy ban Tham vấn chuyên gia thuộc Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc, nói rằng với lực lượng quân đội lớn nhất khu vực, Trung Quốc có trách nhiệm quốc tế thực hiện các hoạt động cứu hộ trên biển Đông trong trường hợp cần thiết.
Ông Yun đã nhắc tới việc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines vào tháng 3 năm ngoái như một ví dụ cho thấy khả năng của Trung Quốc trong triển khai các nguồn lực cho công tác tìm kiếm-cứu hộ bị cản trở bởi nguồn lực hạn chế trên biển Đông.
“Trong cuộc tìm kiếm MH370, ai cũng có thể thấy là Trung Quốc thiếu lực lượng tìm kiếm và cứu hộ trên biển Đông”, ông Yun nói.
Đô đốc Wu Shengli của Hải quân Trung Quốc thì nói: “Chúng tôi chào đón các tổ chức quốc tế, Mỹ và các quốc gia có liên quan sử dụng các cơ sở này [do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông] khi điều kiện đã chín muồi để hợp tác về tìm kiếm nhân đạo và khắc phục thảm họa”.
Tuy vậy, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke tuyên bố, Washington không quan tâm tới đề xuất trên của Trung Quốc.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate