Làn sóng đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động đang lan rộng khắp các trung tâm sản xuất miền Nam Trung Quốc trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng vọt làm xói mòn lợi nhuận của các nhà máy và dấy lên quan ngại về rủi ro lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"CÀNG SẢN XUẤT CHÚNG TÔI CÀNG LỖ"
Tại tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng công nghiệp - sản xuất mọi thứ từ thép đúc cho tới đồ gia dụng - đều than thở rằng tình hình hiện tại còn khó khăn hơn so với năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc.
"Chi phí vật liệu đúc đã vượt xa lợi nhuận gộp của chúng tôi và đến mức mà chúng tôi không thể chịu thêm bất kỳ khoản lỗ nào nữa..."
Theo tờ South China Morning Post, điều này có thể khiến một số người ngạc nhiên bởi nhiều công ty ở nước ngoài đã quay sang đặt hàng Trung Quốc nhiều hơn khi các quốc gia láng giềng như Ấn Độ hay Đông Nam Á đang hứng chịu đợt bùng dịch Covid-19 mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch tàn phá nặng nề các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nhà sản xuất tại Trung Quốc cho biết chi phí để nhập nguyên liệu thô hiện tại quá đắt đỏ.
Modern Casting Ltd, một trong những nhà máy cung cấp sắt và thép đúc tại Quảng Đông, mới đây gửi thông báo cho các khách hàng nói rằng họ không thể thực hiện các đơn hàng đã nhận do giá nguyên liệu thô quá cao cũng như tình trạng khan hiếm nguyên liệu.
“Chi phí vật liệu đúc đã vượt xa lợi nhuận gộp của chúng tôi và đến mức mà chúng tôi không thể chịu thêm bất kỳ khoản lỗ nào nữa”, Modern Casting cho biết.
Công ty này chuyên sản xuất gang xám, thép và gang dẻo có khối lượng lên 60 tấn.
Cũng chung tình trạng, nhà máy đúc nhỏ hơn - JiangXin Foundry Ltd - cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm sản xuất. Theo Giám đốc sản xuất Huo Huagen của JiangXin, có thời điểm nhà máy chỉ mở cửa 4 ngày một tuần.
Huo cho biết nguyên nhân là “giá thép phế liệu - nguyên liệu chính của các doanh nghiệp đúc - tăng vọt lên hơn 4.500 Nhân dân tệ (700 USD)/tấn trong những tuần gần đây”. Ngày 3/5, giá thép phế liệu chỉ 700 Nhân dân tệ/tấn, sau đó bắt đầu tăng đột biến.
“Điều này có nghĩa là, càng sản xuất chúng tôi càng lỗ. Chúng tôi lỗ 1.500 Nhân dân tệ cho mỗi tấn thành phẩm”, Huo nói, đồng thời dự báo sản lượng của công ty sẽ giảm mạnh trong năm nay và có thể cả năm sau.
“Năm ngoái, chúng tôi xuất xưởng khoảng 5.000 tấn. 4 tháng đầu năm nay, chúng tôi sản xuất 400 tấn/tháng. Nhưng sang tháng này, sản lượng chỉ còn khoảng 200 tấn”, ông chia sẻ.
Công nhân tại các nhà máy cũng đang chịu cảnh chật vật khi lương tháng giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 Nhân dân tệ do giảm giờ làm. Năm ngoái, họ được trả lời 8.000 Nhân dân tệ vào các tháng sản xuất cao điểm.
Tình hình cũng không khá hơn tại nhà sản xuất nhôm Bangzhan Construction Formwork Ltd. Giám đốc bán hàng của công ty này cho biết giá nhôm đã tăng lên hơn 20.000 Nhân dân tệ (3.111 USD)/tấn trong vòng 2 tuần trở lại đây, từ mức khoảng 15.000 Nhân dân tệ hồi đầu năm.
“Các nhà sản xuất Trung Quốc giờ đây không dám triển khai sản xuất hàng loạt như bình thường”, ông nói và cho biết rủi ro khi nhận đơn đặt hàng mới là rất lớn bởi giá nguyên liệu đầu vào quá cao.
Nhiều nhà sản xuất đồ gia dụng tại Quảng Đông cũng tạm dừng sản xuất ở nhiều mức độ khác nhau do lo ngại về giá cả leo thang.
“Giá nguyên liệu thô - kim loại, vỏ nhựa, đồng để sản xuất đồ gia dụng tăng cao - ăn mòn lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp ở cả đầu và chuỗi cung ứng trên toàn ngành”, Zheng Leqiang, Giám đốc điều hành một nhà máy sản xuất thiết bị nhà bếp ở thành phố Trung Sơn, Quảng Đông, cho biết. “Các nhà cung cấp của chúng tôi đều đã tăng giá, vì vậy chúng tôi cũng phải tăng, đẩy phần chi phí tăng thêm cho khách hàng ở đầu cuối. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc vẫn còn yếu, do đó không dễ để tăng giá trên thị trường hàng tiêu dùng”.
Zheng cho biết công ty của mình vẫn phải vật lộn với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng còn do dự khi chi tiền cho đồ gia dụng nhỏ và tân trang nhà cửa.
“Ngành của chúng tôi đang không có lợi nhuận, và nhiều nhà máy đồ gia dụng nhỏ - đặc biệt những nơi có dưới 100 công nhân - đã phải đóng cửa trong tháng qua”, ông chia sẻ.
Cả Zheng và Huo đều cho biết hy vọng duy nhất của họ là chính phủ sẽ can thiệp để kiềm chế tăng giá vật liệu thô. Trong khi chờ điều đó, họ không còn cách nào khác ngoài việc dừng nhận đơn hàng, sa thải hoặc giảm giờ làm của nhân viên.
KHÔNG KHOAN NHƯỢNG HÀNH VI ĐẦU CƠ, THAO TÚNG GIÁ
Trên thực tế, các cấp cao nhất tại Trung Quốc đã thảo luận về những rủi ro về kinh tế liên quan tới bão giá hàng hóa. Chính phủ nước này cho biết các nhà chức trách đang theo dõi sát tác động của giá cả leo thang và đang triển khai tiếp cận theo hướng bình ổn thị trường, tăng nguồn cung và tăng cường giám sát.
Giá kim loại toàn cầu, bao gồm đồng, quặng sắt, kẽm, niken và nhôm, đã tăng vọt trong những tuần gần đây. Trong đó, giá đồng tăng lên tới 10.000 USD/tấn, còn giá quặng sắt trên 200 USD/tấn...
Hôm Chủ nhật (24/5), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), tuyên bố sẽ “không khoan nhượng” với hành vi thao túng giá, lan truyền thông tin sai lệch và đầu cơ hàng hóa. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi NDRC có cuộc buổi làm việc với các công ty trong ngành quặng sắt, thép, đồng, than và nhôm.
Cùng ngày, NDRC cho biết chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát giá đối với quặng sắt, đồng, ngô và các mặt hàng khác trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) để giải quyết những biến động giá cả. Quyết định này được đưa ra sau khi Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, hồi đầu tháng trước bày tỏ quan ngại về rủi ro kinh tế tiềm ẩn liên quan đến giá hàng hóa cao và lạm phát.
Giá kim loại toàn cầu, bao gồm đồng, quặng sắt, kẽm, niken và nhôm, đã tăng vọt trong những tuần gần đây. Trong đó, giá đồng tăng lên tới 10.000 USD/tấn, còn giá quặng sắt trên 200 USD/tấn.
Tháng trước, giá xuất xưởng của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất hơn 3 năm, làm dấy lên quan ngại rằng tình hình lạm phát sẽ khiến tiêu dùng nội địa đã yếu lại càng suy giảm. Chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo lợi nhuận công nghiệp - cũng tăng 6,8% trong tháng 4 so với một năm trước đó.