Theo hãng tin CNN, Bộ trưởng thương mại Trung Quốc đã kêu gọi Nhật Bản chấm dứt các hạn chế về việc cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip. Lãnh đạo của Trung Quốc nói rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.
TRUNG QUỐC "RẤT KHÔNG HÀI LÒNG" VỚI QUYẾT ĐỊNH CỦA NHẬT BẢN
Vào tháng 3 vừa qua, Nhật Bản tuyên bố sẽ thắt chặt các quy định về xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, cùng với Hoa Kỳ và Hà Lan hạn chế bán công nghệ chủ chốt cho Trung Quốc.
Trung Quốc "rất không hài lòng" với quyết định trên của Nhật Bản, cho rằng điều đó đã vi phạm các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế. Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố hôm thứ Hai (29/5), dẫn lời Bộ trưởng Wang Wentao. Đây là lần thứ hai trong một tuần Bộ thương mại Trung Quốc lên tiếng về quyết định của Nhật Bản.
Wang cho biết ông hy vọng Nhật Bản sẽ “sửa đổi nhận thức về Trung Quốc”.
Các bình luận được đưa ra trong cuộc hội đàm của Wang vào tuần trước với Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tại hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Detroit.
Vào ngày 23/5, Bộ Thương mại đã ra tuyên bố kêu gọi Nhật Bản “ngay lập tức” chấm dứt các hạn chế xuất khẩu và cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình.
Chất bán dẫn, một phần không thể thiếu của mọi thiết bị điện tử, đã nổi lên như một mặt trận quan trọng trong cuộc tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh về quyền tiếp cận công nghệ then chốt.
Vào tháng 10/2022, Washington đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sâu rộng đối với chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ quan trọng cho mục đích quân sự. Kể từ đó, các quan chức Mỹ đã thuyết phục các đồng minh của họ ở Hà Lan và Nhật Bản tham gia vào cuộc đối đầu leo thang này.
Đầu tháng này, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách cấm bán các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron của Mỹ cho các công ty Trung Quốc đang làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Vào tháng 3, Hà Lan cũng đã công bố các hạn chế đối với việc bán công nghệ sản xuất chip ra nước ngoài cho các quốc gia bao gồm cả Trung Quốc. Bắc Kinh đã chỉ trích mạnh mẽ các hạn chế, gọi đó là “ngăn chặn phân biệt đối xử”.
HÀN QUỐC CŨNG BỊ KẸT TRONG CUỘC CHIẾN “ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG” GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC
Chip là trung tâm trong nỗ lực trở thành siêu cường công nghệ của Bắc Kinh. Trung Quốc có các nhà sản xuất chip của riêng mình, nhưng họ chủ yếu cung cấp các bộ vi xử lý từ thấp đến trung cấp được sử dụng trong các thiết bị gia dụng và xe điện.
Trong khi đó, cuộc chiến chip cũng đang tạo ra những “thế lực đồng minh” trên thế giới. Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Hàn Quốc đã đồng ý tăng cường đối thoại và hợp tác về chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh toàn cầu ngày càng lo ngại về nguồn cung chip, lệnh trừng phạt và an ninh quốc gia.
Wang Wentao đã gặp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Detroit, kết thúc vào thứ Sáu. Họ đã trao đổi quan điểm về việc duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực song phương, khu vực và đa phương, theo một tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Wang Wentao cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc để tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, một tuyên bố của Hàn Quốc trong cùng cuộc họp không đề cập đến chip, thay vào đó nói rằng bộ trưởng thương mại của nước này đã yêu cầu Trung Quốc ổn định nguồn cung nguyên liệu thô chính và yêu cầu một môi trường kinh doanh có thể dự đoán được cho các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc.
Reuters cho rằng Hàn Quốc đang ở trong tâm điểm của cuộc tranh cãi “ăn miếng trả miếng” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về chất bán dẫn. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại, khoảng 40% xuất khẩu chip của Hàn Quốc là sang Trung Quốc, trong khi công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ rất cần thiết đối với các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix.