Nhìn vào việc Phố Wall tăng điểm mạnh đầu phiên 21/6, nhiều người có thể dễ dàng cho rằng, việc Trung Quốc tăng tính linh hoạt cho tỷ giá, sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, vẫn còn nhiều rủi ro lớn phía sau vấn đề này.
Theo Reuters, việc Bắc Kinh phát đi tín hiệu có thể nâng giá Nhân dân tệ so với USD là tin tốt đối với các hãng khai khoáng và những công ty chuyên bán hàng hóa và nguyên liệu cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, bởi lẽ thiết bị sản xuất tại Mỹ sẽ rẻ hơn ở Trung Quốc và khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt hơn ở Mỹ.
Cổ phiếu của nhiều công ty Mỹ chuyên xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh vào đầu phiên giao dịch chứng khoán tại Mỹ ngày 21/6, nhưng sau đó đã sụt giảm khi giới đầu tư nghi ngờ về tốc độ và quy mô thực hiện cam kết của Bắc Kinh.
Các hãng Mỹ, từ nhà sản xuất thiết bị nặng Caterpillar cho đến hãng sản xuất đồ ăn nhanh YumBrands, hãng bán lẻ đồ nội thất Ethan Allen, đều cho rằng động thái mới này của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro. Trong số đó, cuộc khủng hoảng tại châu Âu hiện nay có thể khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn so với USD, đảo ngược xu thế đã có từ năm 2005.
Hơn nữa, việc neo tỷ giá Nhân dân tệ vào USD của Trung Quốc, chính sách mà các chuyên gia kinh tế và chính trị gia Mỹ chỉ trích rằng đã khiến đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp hơn tới 40%, đã buộc Trung Quốc mua vào một số lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ, đẩy nguồn cung Nhân dân tệ tăng lên trên thị trường quốc tế, trong khi giảm bớt nguồn cung tài sản Mỹ.
Với việc Mỹ đang thâm hụt thu chi, vốn đã trở nên trầm trọng hơn sau khi chính phủ nước này hồi năm ngoái tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD, động thái mới có thể khiến Mỹ buộc phải nâng lãi suất cơ bản, như vậy sẽ cản đà phục hồi kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ở mức khiêm tốn hiện nay.
Thêm vào đó, Chính phủ Trung Quốc cũng có khả năng phải chuyển đổi lập trường về tỷ giá để đối phó với việc đồng Euro ngày một sụt giá. Đầu tháng 6 này, đồng Euro đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với USD.
“Lý do Trung Quốc trở nên thận trọng hơn với Nhân dân tệ là vì những gì đang xảy ra ở khu vực sử dụng đồng Euro. Nếu USD tăng giá so với Euro, thì điều đó cũng có nghĩa là Nhân dân tệ sẽ tăng giá so với Euro”, ông Ira Kalish, Giám đốc bộ phận kinh tế toàn cầu thuộc hãng nghiên cứu Deloitte, nhận xét.
Điều đó sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn tại châu Âu. Trong lúc kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại, đó sẽ là tin xấu đối với các nhà sản xuất Trung Quốc. Bởi 20% tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc là được đưa sang châu Âu.
Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của châu Âu yếu đi sẽ tác động tới kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, và Nhân dân tệ có thể sẽ sụt giá mạnh hơn so với USD, chứ không phải tăng lên, ông Peter Sorrentino, Phó chủ tịch kiêm nhà quản lý đầu tư thuộc hãng tư vấn Huntington tại Cincinnati, nhận xét.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều nhà làm luật nước này vẫn tin rằng, hành động mới đây của Trung Quốc chỉ là một động thái có ý nghĩa về mặt chính trị trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Toronto (Canada).
Thượng nghị sỹ Sherrod Brown và Charles Schumer của đảng Dân chủ cho biết, sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Obama, đòi thực thi biện pháp cần thiết để ngăn Trung Quốc duy trì giá trị đồng Nhân dân tệ thấp.
Theo WSJ, hai thượng nghị sỹ trên đưa ra một dự luật, theo đó Trung Quốc có thể bị coi như nước thao túng tiền tệ. Ngoài ra, họ còn tiếp tục theo đuổi biện pháp trừng phạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Ông Brown coi việc thay đổi chính sách trên chỉ là rất nhỏ và không có gì chắc chắn về việc Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết đó như thế nào. “Chính phủ Trung Quốc từng đưa ra hành động tương tự như thế này trước đây, nhưng sau đó cũng chẳng có gì mới”, ông nói.
Hạ nghị sỹ Michael Michaud thuộc đảng Dân chủ cho rằng, cam kết của Trung Quốc chỉ có ý nghĩa nếu đi kèm với việc nâng giá đồng Nhân dân tệ thực sự.
Thượng nghị sỹ Charles Grassley thuộc Đảng Cộng hòa thì muốn tiếp cận với vấn đề đồng Nhân dân tệ theo hướng đưa ra các quy định. Ông cho rằng, tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ là động thái chính trị trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate