Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối năm ngoái, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, nói rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc với châu Âu đang tăng mạnh trong khi các doanh nghiệp châu Âu ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
“Một là nền kinh tế Trung Quốc phải mở cửa hơn nữa, hoặc châu Âu phải có hành động”, ông Borrell cảnh báo trong chuyến thăm.
TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA LÀ CHÌA KHÓA VÀNG
Tuần trước, EU đã có hành động khi lần đầu tiên tiến hành lục soát các văn phòng ở Warsaw và Rotterdam của Nuctech – một nhà sản xuất máy quét an ninh sân bay và bến cảng của Trung Quốc.
Vụ lục soát này là hành động mới nhất nằm trong chuỗi điều tra liên quan tới thương mại của EU nhằm vào các công ty Trung Quốc. Vụ việc cũng diễn ra trong bối cảnh các nước đối tác thương mại của Trung Quốc phàn nàn về tình trạng dư thừa hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trên thực tế, Bắc Kinh đang hỗ trợ nhiều cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, trong khi không có nhiều động thái nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nền kinh tế. Theo tờ báo Financial Times, Chính phủ Trung Quốc dường như còn do dự trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và điều này đe dọa làm xấu đi quan hệ ngoại giao và thương mại của nước này, không chỉ với các quốc gia phương Tây mà cả với các quốc gia đang phát triển.
Ở cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc, nhiều nhà kinh tế cho rằng nước này có thể trải qua một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nữa nếu thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Thực tế, trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài, nhà chức trách đã từng triển khai một số biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng khi nhu cầu nội địa giảm sút. Tuy nhiên, Bắc Kinh tránh thực hiện các biện pháp như hỗ trợ tiền mặt hay cải cách kinh tế sâu rộng, mà thay vào đó là triển khai “các động lực sản xuất chất lượng mới” với việc đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất có hàm lượng chất xám cao như xe điện, năng lượng xanh và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo các nhà phân tích, điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng bằng việc bơm tiền vào nền kinh tế – đặc biệt là lĩnh vực sản xuất – cho đến những khó khăn cố hữu trong việc cải cách nền kinh tế phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nhà nước.
Yếu tố chính trị cũng là một nguyên nhân, khi mà Bắc Kinh có xu hướng ưu tiên an ninh quốc gia cao hơn tăng trưởng kinh tế. Sự tự chủ về sản xuất trong các tình huống đặc biệt, kể cả khi xảy ra xung đột, là một phần quan trọng của xu hướng này.
"Trung Quốc chiếm tới 1/3 sản lượng sản xuất toàn cầu nhưng chỉ chiếm khoảng 1/10 nhu cầu toàn cầu. Ở đây rõ ràng có sự mất cân đối”.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken
Tất cả những điều trên khiến Bắc Kinh tập trung thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất, thay vì thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, giờ đây, áp lực tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới ngày càng trở nên cấp thiết đối với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc đang phụ thuộc lớn vào các đối tác thương mại để xuất khẩu lượng hàng hóa sản xuất dư thừa.
“Sau cùng thì điều cốt lõi là thúc đẩy tiêu dùng trong nước bởi việc sản xuất sẽ là vô nghĩa nếu chẳng có ai mua hàng”, ông Michael Pettis, thành viên cao cấp ở Bắc Kinh của viện nghiên cứu Carnegie Endowment (Mỹ), nhận xét.
Nhiều năm qua, các nhà kinh tế nhiều lần kêu gọi Trung Quốc hành động quyết liệt hơn để kích thích tiêu dùng trong nước, tái cân bằng nền kinh tế vốn phụ thuộc quá mức vào đầu tư.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ đầu tư trên GDP Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới, năm 2023 là hơn 40%. Trong khi đó, đóng góp của tiêu dùng tư nhân vào GDP năm 2023 chỉ là khoảng 39%, thấp hơn nhiều so với khoảng 68% ở Mỹ. Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản, nước này đầu tư mạnh hơn vào sản xuất thay vì tiêu dùng, dẫn tới tình trạng dư thừa công suất.
“Trung Quốc chiếm tới 1/3 sản lượng sản xuất toàn cầu nhưng chỉ chiếm khoảng 1/10 nhu cầu toàn cầu. Ở đây rõ ràng có sự mất cân đối”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhận xét tại Bắc Kinh vào tuần trước trong chuyến công du Trung Quốc.
THẾ KHÓ CỦA TRUNG QUỐC
Từ năm 2021 đến nay, theo sau cuộc khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng kinh tế sụt tốc. Điều này càng khiến nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề về tiêu dùng nội địa.
“Tỷ lệ tiết kiệm ở mức cao của Trung Quốc, hơn 47% GDP năm 2022, gấp đôi so với bình quân thế giới, là một biểu hiện của vấn đề trong tiêu dùng nội địa ở nước này”, ông Xu Gao, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank of China International, chỉ ra trong một bài phát biểu gần đây tại Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh.
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc tiết kiệm nhiều, từ việc thiếu các lựa chọn đầu tư tốt – đặc biệt là thay thế cho kênh bất động sản – cho tới hệ thống an sinh xã hội và y tế còn yếu.
“Mục tiêu của tăng trưởng kinh tế là đáp ứng kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân, và điều này nên được biểu lộ ở việc tiêu dùng tăng lên”, ông Xu nói thêm.
Dù báo cáo của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 3 đề cập tới nhiều biện pháp khuyến khích tiêu dùng trong nước như hỗ trợ người dân thay mới đồ gia dụng, mua xe điện..., trọng tâm chính của báo cáo là “động lực sản xuất chất lượng mới”. Trong báo cáo này, từ “tiêu dùng” được nhắc tới 11 lần, trong khi “đầu tư”, “sản xuất”, “công nghiệp” hoặc “công nghiệp hóa” được nhắc tới tổng cộng 69 lần.
“Sau cùng, điều Bắc Kinh muốn là sự tăng trưởng về sản lượng kinh tế và việc làm gắn liền với sự tăng trưởng đó. Sau khi siết kiểm soát lĩnh vực bất động sản, Bắc Kinh không còn lại nhiều lựa chọn ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng dựa trên sản xuất”, ông Stephen Roach, cựu chủ tịch Morgan Stanley châu Á, chỉ ra.
Theo ông Pettis của Carnegie Endowment, đây chính là công thức được triển khai trong các lần suy giảm tăng trưởng trước đây ở Trung Quốc, như năm 2008 và năm 2015-2016.
“Giải pháp của Bắc Kinh trong các giai đoạn này luôn là tăng mạnh đầu tư. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dấu hiệu của sự dư thừa đầu tư xuất hiện khắp nơi, từ lĩnh vực bất động sản cho tới cơ sở hạ tầng, và nợ trên GDP đang ở mức khoảng 300%. Có thể thấy, đầu tư có thể không còn là một giải pháp nữa”, ông Pettis nói.
Thách thức của mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc là hiệu quả của mô hình này có thể kéo dài đến bao giờ. Về phía các nhà sản xuất, dù được hỗ trợ tín dụng, không nhiều đơn vị muốn tăng công suất do giá cả giảm.
Theo các nhà kinh tế, để người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là sau khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển các chương trình phúc lợi xã hội và y tế. Nhưng với giải pháp này, cần nhiều thời gian để tăng niềm tin của người tiêu dùng và cần đầu tư nhiều tiền từ ngân sách.
Bên cạnh đó, tiêu dùng tăng lên cũng đi liền với việc giảm vai trò của sản xuất hoặc đầu tư trong nền kinh tế. Theo ông Pettis, để làm điều này, Bắc Kinh cần xóa bỏ các chương trình hỗ trợ lĩnh vực sản xuất.
Hiện tại, trong khi những tranh luận về một một hình tăng trưởng mới cho Trung Quốc vẫn đang nóng lên, việc đầu tư quá mức vào lĩnh vực sản xuất có thể làm gia tăng áp lực giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến các nhà đầu tư tư nhân “quay lưng” và sau cùng càng khiến tăng trưởng sụt giảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc mà tới cả nền kinh tế toàn cầu.
“Nếu Bắc Kinh tiếp tục đi theo hướng hành động ở ‘phía cung’ để giải quyết một vấn đề ở ‘phía cầu’, thì tình hình khá phức tạp. Đặc biệt, giống như chúng ta đã thấy, phản ứng của cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi đối với tình trạng xuất khẩu hàng hóa quá mức từ Trung Quốc sẽ ngày càng quyết liệt hơn”, ông Thomas Gatley, nhà phân tích cấp cao tại Gavekal Dragonomics, nhận định.