Hơn một thế kỷ trước, kỳ Thế vận hội (Olympic) đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của khoảng 280 vận động viên đến từ 12 quốc gia. Giờ đây, sự kiện thể thao hàng đầu thế giới này quy tụ hơn 10.000 vận động viên từ hơn 200 quốc gia trên thế giới. Với quy mô ngày càng lớn của các kỳ Olympic, chi phí tổ chức cũng tăng lên theo.
Chi phí lớn nhất của việc đăng cai Olympic là xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động giao thông và du lịch phát sinh từ sự kiện. Ví dụ, khi đăng cai Olympic mùa đông năm 2014, thành phố Sochi của Nga đã chi gần 50,7 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng không liên quan tới thể thao – chiếm khoảng 85% tổng chi phí. Tất nhiên, khi mạnh tay đầu tư như vậy, các thành phố kỳ vọng những công trình này sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn.
Dù vậy, các công trình liên quan tới thể thao phục vụ Thế vận hội cũng tiêu tốn số tiền khổng lồ nhưng thường ít được sử dụng sau khi sự kiện kết thúc. Ví dụ, sân vận động quốc gia tại Bắc Kinh có chi phí xây dựng ban đầu tới 460 triệu USD và hàng triệu USD nữa để bảo trì mỗi năm nhưng hiếm khi được sử dụng kể từ sau Olympic năm 2008. Bắc Kinh sử dụng sân vận động này cho lễ khai mạc và bế mạc Olympic Mùa đông 2022, diễn ra từ ngày 4-20/2/2022.
Đăng cai Olympic Mùa đông 2022, Trung Quốc dự toán ngân sách chính thức là khoảng 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của tờ Insider, chi phí thực tế có thể cao gấp gần 10 lần với hơn 38,5 tỷ USD, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như mạng lưới tàu viên đạn 9,2 tỷ USD để kết nối các địa điểm tổ chức sự kiện.
Dưới đây là biểu đồ thông tin về chi phí ước tính khi đăng cai tổ chức Olympic tại các thành phố trên thế giới (cả Olympic mùa đông và mùa hè) kể từ năm 1998.