June 06, 2011 | 15:37 GMT+7

“Trung Quốc phải bồi thường cho Petro Vietnam”

P.V

Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi phía Trung Quốc bồi thường những tổn thất mà 3 tàu hải giám gây ra cho Petro Vietnam

Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng biển của Việt Nam - Ảnh: TTXVN.
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng biển của Việt Nam - Ảnh: TTXVN.
Nguồn tin từ TTXVN ngày 5/6 cho biết, Hội Luật gia Việt Nam đã kêu gọi phía Trung Quốc bồi thường những tổn thất mà 3 tàu hải giám của Trung Quốc gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Hội Luật gia Việt Nam cũng kêu gọi phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm Hiến chương Liên hiệp quốc, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung quốc là nước thành viên, cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm túc các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và giới luật gia hai nước Việt Nam-Trung Quốc, cùng với phía Trung Quốc góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Trước đó, vào ngày 26/5/2011, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Petro Vietnam, khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hiệp quốc (tại các điều 2 khoản 3, điều 2 khoản 4) và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (tại các điều 58 khoản 3, điều 76, điều 77 khoản 1, điều 301); đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình và gây thiệt hại về kinh tế đối với Petro Vietnam.

Hành động này cũng đã đi ngược lại cam kết của Trung Quốc tại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate