Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc vừa ban hành các quy định mới yêu cầu các ngân hàng tăng cường giám sát và báo cáo các giao dịch có rủi ro, bao gồm cả giao dịch liên quan đến tiền mã hóa, khiến nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục gặp khó khăn hơn trong việc mua bán bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác.
THẮT CHẶT QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI TIỀN MÃ HÓA
Trang South China Morning Post đưa tin, theo thông báo tuần trước của Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước, các ngân hàng được yêu cầu giám sát và báo cáo “hành vi giao dịch ngoại hối rủi ro,” bao gồm các hoạt động qua ngân hàng ngầm, đánh bạc xuyên biên giới và các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến tiền mã hóa.
Quy định này áp dụng cho các ngân hàng nội địa trên toàn Trung Quốc đại lục, yêu cầu các tổ chức tài chính theo dõi các hoạt động dựa trên danh tính của tổ chức và cá nhân tham gia, nguồn gốc tài chính, tần suất giao dịch và các yếu tố khác.
Ngoài ra, các ngân hàng phải triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro, áp dụng đối với các đối tượng liên quan và hạn chế cung cấp một số dịch vụ nhất định cho họ, theo quy định từ cơ quan quản lý.
Các quy định mới phản ánh việc Bắc Kinh tiếp tục áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt nhằm loại bỏ các hoạt động tiền mã hóa thương mại, như giao dịch bitcoin và khai thác tiền mã hóa. Bắc Kinh coi những tài sản kỹ thuật số này là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính của đất nước.
Luật sư Liu Zhengyao từ công ty luật ZhiHeng tại Thượng Hải nhận định: “Quy định mới sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để xử phạt các hoạt động giao dịch tiền mã hóa. Có thể dự đoán rằng thái độ của chính quyền Trung Quốc đối với tiền mã hóa sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa trong tương lai.”
Việc sử dụng đồng nhân dân tệ (yuan) để mua tiền mã hóa trước khi đổi tài sản kỹ thuật số này sang các đồng tiền pháp định nước ngoài khác có thể được xem là “hoạt động tài chính xuyên biên giới liên quan đến tiền mã hóa” theo các quy định ngoại hối mới, đặc biệt khi giá trị giao dịch vượt quá mức cho phép theo pháp luật.
Luật sư Liu Zhengyao cũng cho rằng các quy định mới sẽ khiến việc né tránh quy định ngoại hối của Trung Quốc thông qua tiền mã hóa ngày càng trở nên khó khăn hơn.
LỊCH SỬ SIẾT CHẶT TIỀN MÃ HÓA CỦA TRUNG QUỐC
Trung Quốc lần đầu tiên cấm các đợt phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO) và yêu cầu đóng cửa các sàn giao dịch tiền mã hóa vào năm 2017. Đến năm 2021, chính phủ đã đẩy mạnh chiến dịch truy quét, cấm khai thác bitcoin và tuyên bố tất cả các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền mã hóa là bất hợp pháp.
Mặc dù giá bitcoin đã tăng mạnh trong năm nay, được thúc đẩy bởi lập trường thân thiện với tiền mã hóa của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu nới lỏng các quy định nghiêm ngặt đối với lĩnh vực này.
Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vào tháng 8 năm nay đã phán quyết rằng việc sử dụng tiền mã hóa để chuyển đổi hoặc rửa tiền phạm tội là vi phạm luật hình sự của Trung Quốc, làm tăng thêm rủi ro pháp lý cho các nhà giao dịch.
Năm ngoái, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Cơ quan Quản lý Ngoại hối đã kêu gọi tăng cường giám sát giao dịch ngoại hối, đặc biệt trong các trường hợp sử dụng đồng tiền ổn định tether làm trung gian để giao dịch giữa nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác.