Saudi Arabia đã cử một trong những phái đoàn cấp cao lớn nhất từ trước đến nay của nước này tới dự sự kiện được coi là “Davos mùa hè” tại Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hợp tác với vùng Vịnh để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau 3 năm đóng cửa chống Covid-19.
Phái đoàn với 24 quan chức, bao gồm 6 bộ trưởng và thứ trưởng, khởi hành từ Riyadh sẽ tham dự sự kiện trực tiếp đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Trung Quốc. Cuộc hội tụ diễn ra khi cả Trung Quốc và Saudi Arabia đều muốn tìm kiếm đối tác đầu tư thay thế cho đối tác phương Tây mà họ có bấy lâu nay.
Đây là sự kiện có tên Hội nghị Thường niên của Các nhà vô địch mới (Annual Meeting of the New Champions) diễn ra ở thành phố Thiên Tân, thường đường gọi là “Davos mùa hè” như một sự so sánh với chuỗi sự kiện thường niên vào mùa đông của WEF tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Davos của Thuỵ Sỹ. Dẫn đầu phái đoàn Saudi Arabia tới Trung Quốc dự “Davos mùa hè” là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Faisal Alibrahim và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Abdullah Alswaha.
Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của vương quốc này, với thương mại song phương đạt 116 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ 87 tỷ USD của năm trước. Saudi Arabia rất muốn nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc để đa dạng hóa nền kinh tế và muốn hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia vùng Vịnh sẽ vượt xa khỏi các lĩnh vực truyền thống như dầu mỏ, lọc dầu và viễn thông, sang các ngành công nghiệp khác từ thép đến nền tảng internet, trò chơi và du lịch.
“Xét tới độ lớn của thị trường vùng Vịnh, nhất là Saudi Arabia, xu hướng đầu tư xuyên biên giới này có thể mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Trung Quốc”, giáo sư luật Winston Ma của Đại học New York nhận định với tờ Financial Times.
“Davos mùa hè” đã khai mạc vào ngày 27/6 với bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu yếu đi sau một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm nay, sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid.
“Thế giới đang đứng trước những ngã rẽ lịch sử”, ông Lý Cường nhấn mạnh, và nói thêm rằng các thách thức toàn cầu đang gia tăng và các xung đột khu vực tiếp tục nổi lên.
Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm xuống mức thấp, với căng thẳng song phương gia tăng trong các vấn đề Đài Loan, công nghệ, thương mại và cuộc chiến tranh ở Ukraine. Sự khác biệt quan điểm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang gây áp lực lên niềm tin của nhà đầu tư.
Về phần mình, Saudi Arabia cũng đang có một mối quan hệ suy giảm với Mỹ - một đồng minh truyền thống. Vì vậy, Riyadh muốn vượt khỏi quan hệ đối tác truyền thống với phương Tây và tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với châu Á, nhất là với Trung Quốc. Một số công ty lớn nhất của Trung Quốc như PetroChina và Huawei đã hiện diện Saudi Arabia. Mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Riyadh vào tháng 12 năm ngoái.
Thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia - muốn đa dạng hóa nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào dầu mỏ của nước này sang các lĩnh vực mới như y tế, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế kỹ thuật số và du lịch. Chiến lược này của thái tử Mohammed được vạch ra trong một chương trình được gọi là Tầm nhìn 2030.
Theo chương trình này, nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc Baowu Steel vào tháng 5 đã tiết lộ kế hoạch trả 437,5 triệu USD để nắm cổ phần 50% trong một liên doanh với tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco và quỹ lợi ích quốc gia Public Investment Fund của Saudi Arabia.
Trong các kế hoạch đầu tư song phương khác, Bộ Đầu tư của Saudi Arabia hồi tháng 4 đã mời nhà điều hành công viên giải trí Haichang Ocean Park của Trung Quốc đầu tư vào một cơ sở mới ở nước này. Công ty di truyền học BGI của Trung Quốc cũng đã mở một phòng thí nghiệm thử nghiệm ở Riyadh trong tháng 6 này.
J&T Express, hãng vận chuyển bưu kiện do Trung Quốc hậu thuẫn, đã mở rộng sang Riyadh một năm trước và phát triển nhanh chóng tại thị trường này. J&T đang nộp hồ sơ niêm yết trên thị trường chứng khoán, chuẩn bị cho vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá lên tới 1 tỷ USD tại Hồng Kông trong tháng này.
Bà Jessica Wong, nhà quản lý quỹ tại eWTP Arabia Capital, một trong những quỹ cổ phần tư nhân lớn nhất của Saudi Arabia, cho biết vương quốc này đang tìm kiếm một sự “bản địa hóa” lớn hơn cho các dịch vụ cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số so với những gì đã được cung cấp bởi các công ty phương Tây từ trước đến nay.
“Trong mỗi phân khúc, các công ty phương Tây đều chiếm thị phần từ 80 đến 90%, nhưng tất cả họ đều bỏ qua nội địa hóa. Thị trường Saudi Arabia muốn những nhà cung cấp tôn trọng thói quen người dùng ở đây và không phải lúc nào cũng yêu cầu mức phí cao”, bà Wong nói với Financial Times.
Tập trung vào việc bản địa hóa các dịch vụ kỹ thuật số của Trung Quốc ở Saudi Arabiab, quỹ của bà Wong đã huy động được 400 triệu USD vào năm 2019, trong đó 300 triệu USD đến từ quỹ Public Investment Fund. Vòng gây quỹ thứ hai có thể sẽ kết thúc ở mức 1 tỷ USD vào cuối năm nay.
Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng, các doanh nhân Trung Quốc đã đổ xô đến một diễn đàn kinh doanh Saudi Arabia -Trung Quốc được tổ chức trong tháng này. Một nửa số người Trung Quốc tham dự sự kiện đó là những người lần đầu tiên đến thăm Riyadh.
Các chuyến thăm chính thức tới Saudi Arabia của các phái đoàn đến từ các thành phố của Trung Quốc như Bắc Kinh và Hạ Môn cũng đang bùng nổ. Một người tham dự hội nghị như vậy nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ trăng mật của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Saudi Arabia”.