October 28, 2024 | 14:58 GMT+7

Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường viễn thông và trung tâm dữ liệu cho nước ngoài

Thanh Minh -

Chương trình thí điểm sẽ cho phép các công ty nước ngoài "tham gia sâu vào thị trường Trung Quốc". Đây là một phần trong kế hoạch giảm rào cản thị trường đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông Trung Quốc...

Các công ty nước ngoài sẽ có thể cung cấp các dịch vụ bao gồm điện toán đám mây và năng lực tính toán tại Trung Quốc
Các công ty nước ngoài sẽ có thể cung cấp các dịch vụ bao gồm điện toán đám mây và năng lực tính toán tại Trung Quốc

Trung Quốc chuẩn bị cho phép các công ty nước ngoài độc lập vận hành các trung tâm dữ liệu và cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông. Theo báo Trung Quốc South China Morning Post, nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Hoa Kỳ cùng với ngân hàng HSBC của Anh đang là những ứng viên đầu tiên.

THÍ ĐIỂM CHO PHÉP CÔNG TY NƯỚC NGOÀI SỞ HỮU VÀ VẬN HÀNH TRUNG TÂM DỮ LIỆU INTERNET

Cụ thể, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) đã khởi xướng một chương trình thí điểm tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hải Nam và Thâm Quyến trong tuần qua, cho phép các công ty nước ngoài sở hữu và vận hành toàn bộ các trung tâm dữ liệu internet, tiến hành xử lý dữ liệu và giao dịch trực tuyến, và cung cấp các dịch vụ viễn thông khác.

Theo Tân Hoa Xã, chương trình thí điểm này cho phép các công ty nước ngoài "tham gia sâu vào thị trường Trung Quốc để cung cấp các dịch vụ bao gồm điện toán đám mây và năng lực tính toán". Đây là một phần trong kế hoạch nhằm giảm rào cản thị trường đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông Trung Quốc. Tính đến tháng 9, có 2.220 công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép hoạt động kinh doanh viễn thông tại nước này.

Wang Zhiqin, Phó chủ tịch Viện Công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc cho biết những động thái như vậy sẽ giúp đất nước thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn, đồng thời làm phong phú thêm sự đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng địa phương.

Tesla nằm trong nhóm các công ty nước ngoài đầu tiên nộp đơn xin tham gia chương trình thí điểm, hãng truyền thông nhà nước China Daily đưa tin, trích lời Zhang Hongtao, một quan chức của Ủy ban Kinh tế và Thông tin hóa thành phố Thượng Hải.

Ngoài ra, những tổ chức đầu tiên đang muốn gia nhập thị trường Trung Quốc còn có công ty hàng hóa có trụ sở tại Singapore Trafigura, một công ty con về công nghệ tài chính của HSBC, đơn vị chăm sóc sức khỏe của Siemens và nhà phát triển công cụ trò chơi của Hoa Kỳ Unity.

Theo kế hoạch của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin được công bố vào tháng 4, các công ty nước ngoài sẽ phải được Bộ chấp thuận theo quy định trước khi có thể tiến hành các thử nghiệm.

“Việc mở rộng chính sách mở cửa này nhằm mục đích chủ động liên kết với các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế có tiêu chuẩn cao, làm giàu thêm nguồn cung thị trường, kích thích sức sống đổi mới và chia sẻ lợi nhuận từ sự phát triển kinh tế số của Trung Quốc với thế giới”, lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc đã công bố kế hoạch cho chương trình thí điểm vào tháng 4, trong đó xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp tham gia vào một số loại dịch vụ viễn thông, bao gồm trung tâm dữ liệu, phân phối nội dung, truy cập internet, xử lý dữ liệu và giao dịch trực tuyến cũng như phát hành, phân phối và bảo vệ thông tin.

Tuy nhiên, xuất bản tin tức trực tuyến, dịch vụ nghe nhìn trực tuyến và dịch vụ văn hóa internet vẫn bị cấm đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu hoàn toàn.

TRUNG QUỐC ĐANG MỞ RỘNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết họ sẽ “theo dõi chặt chẽ các tác động của chương trình và mở rộng phạm vi của chương trình vào thời điểm thích hợp”. Trung Quốc đang mở rộng nền kinh tế hơn nữa cho vốn đầu tư nước ngoài để củng cố sự phục hồi kinh tế và đạt được các mục tiêu bao gồm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội khoảng 5% vào năm 2024.

Mặc dù Tesla đang tích cực tìm kiếm sự tham gia nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, nhưng kế hoạch triển khai dịch vụ tự lái tại Trung Quốc của công ty vẫn phải đối mặt với sự không chắc chắn liên quan đến các vấn đề như bản đồ và bảo mật dữ liệu.

Tesla có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho các đợt chạy thử nghiệm một số tính năng của xe tự lái, nhưng hệ thống tự lái hoàn chỉnh của hãng sản xuất ô tô này vẫn chưa được chấp thuận sử dụng tại quốc gia này. Các cơ quan quản lý vẫn đang xem xét các vấn đề xung quanh công nghệ tự lái, bảo mật dữ liệu và tính tuân thủ của Tesla.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate