June 29, 2021 | 11:09 GMT+7

Trung Quốc vận hành đập thủy điện công suất lớn thứ hai thế giới

Đức Anh -

Đập thủy điện Bạch Hạc Than có tổng công suất 16 GW, chỉ đứng sau đập Tam Hiệp tại tỉnh Hồ Bắc, được xây dựng trong 4 năm với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ USD...

Đập thủy điện Bạch Hạc Than có tổng công suất lớn thứ hai thế giới - Ảnh: Công ty Tam Hiệp Trung Quốc
Đập thủy điện Bạch Hạc Than có tổng công suất lớn thứ hai thế giới - Ảnh: Công ty Tam Hiệp Trung Quốc

Theo Nikkei Asia, đập thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan) với công suất lớn thứ hai thế giới, vừa chính thức đi vào hoạt động. Việc vận hành đập thủy điện khổng lồ này nằm trong nỗ lực tiến tới mục tiêu trung hòa carbon của chính phủ Trung Quốc.

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than được xây dựng trên sông Kim Sa - một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc. Hiện tại, nhà máy đã bật 2 trong số 16 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 1 GW (1 triệu kW). Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động hết công suất vào tháng 7/2022. 

Đập thủy điện Bạch Hạc Than có tổng công suất 16 GW, chỉ đứng sau đập Tam Hiệp tại tỉnh Hồ Bắc (22,5 GW). Đập Bạch Hạc Than khởi công xây dựng vào năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ Nhân dân tệ (46,5 tỷ USD), do Công ty Tam Hiệp Trung Quốc làm chủ đầu tư.

Theo tờ Global Times, đập Bạch Hạc Than có chiều cao 289m, là đập bê tông đúc đầu tiên trên thế giới với hơn 8 triệu m3 bê tông. Vật liệu này được các chuyên gia Trung Quốc thiết kế đặc biệt để ngăn chặn các vết nứt do nhiệt có thể xảy ra do thay đổi nhiệt độ. 

Mỗi tổ máy của đập Bạch Hạc Than có chiều cao hơn 50m và nặng hơn 8.000 tấn - tương đương tháp Eiffel. 

Dự kiến, khi đi vào hoạt động hết công suất, nhà máy thủy điện này sẽ đạt sản lượng điện hơn 60 tỷ kWh/năm, tương đương 2/3 lượng điện tiêu thụ của Bắc Kinh năm 2015 và gấp 15 lần đập sản lượng của đập Hoover tại Mỹ.

Xả nước tại đập Bạch Hạc Than - Ảnh: Global Times.
Xả nước tại đập Bạch Hạc Than - Ảnh: Global Times.

Ông Chen Jianlin, kỹ sư trưởng của nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than ca ngợi đây là “công trình đẳng cấp thế giới. Không có công trình nào tốt hơn” và nhấn mạnh rằng dù chỉ được xây dựng trong vòng 4 năm, con đập đã vượt qua được những trở ngại lớn như địa chất mỏng, gió khô nóng ở thung lũng và công việc đào đất với quy mô khổng lồ. 

Điện sản xuất từ nhà máy Bạch Hạc Than sẽ được chuyển tới các tỉnh ven biển gồm Giang Tô và Chiết Giang, nơi tập trung nhiều nhà máy với nhu cầu điện lớn. 

Năm 2020, tổng công suất của các đập thủy điện tại Trung Quốc đạt 370 GW, chiếm 17% tổng sản lượng điện của nước này. Ngoài Bạch Hạc Than, nhà máy thủy điện Ô Đông Đức (Wudongde), cũng nằm giữa Tứ Xuyên và Vân Nam, cũng vừa đi vào hoạt động trong tháng 6. Hiện tại, Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy thủy điện khác.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon ròng xuống bằng 0 vào năm 2060. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đang xây dựng hàng loạt đập thủy điện mới. 

Chỉ riêng đập Bạch Hạc Than dự kiến giúp nước này giảm lượng tiêu thụ than khoảng 19,68 triệu tấn và giảm phát thải 52 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Trung Quốc hiện là một trong những nước thải carbon lớn nhất thế giới. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate